Hiệu quả không thể đo đếm…
Phát biểu với báo chí ngày 15/4, ông Ngô Hòa - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2014 - cho biết: Festival rất hiệu quả. Đó không chỉ là hiệu quả về kinh tế, xã hội, du lịch mà cả trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa… Làm rõ nét hơn với bè bạn 5 châu lục, một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, là điểm đến an toàn, an ninh, thân thiện. Festival Huế, là địa chỉ giao lưu quốc tế, của tình đoàn kết hữu nghị, nơi thể hiện các nét đẹp, bản sắc văn hóa của Việt Nam và quốc tế. Đó là hiệu quả khó thể đo đếm…
Sức hút của Festival Huế đến nỗi như ông Nguyễn Duy Hiền - nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế - cho biết: Các đoàn nghệ thuật quốc tế đến biểu diễn tại festival Huế đều từ kinh phí của chính phủ hoặc các tổ chức kinh tế xã hội ở đất nước họ. Ngay các đoàn nghệ thuật trong nước cũng gần như tự trang trải cho lực lượng nghệ sĩ của mình …. Ban tổ chức chỉ hỗ trợ chi phí ăn ở và điều kiện biểu diễn, đi lại tại Huế. Các nhà tài trợ festival Huế đều đến vì ý thức góp phần tôn vinh các giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc, là những nhà tài trợ sạch đúng nghĩa… Từ chỗ chỉ vài ba nhà tài trợ đầu tiên với vài tỉ đồng đến nay những nhà tài trợ cũ vẫn tiếp tục đồng hành và xuất hiện thêm nhiều nhà tài trợ mới với khoảng tiền đóng góp gần 20 tỷ đồng. Có lẽ với DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay nếu không hiệu quả thì khó có thể cùng chung sức chung lòng như thế được!
Từ quy mô văn hóa
Điều có thể khẳng định ngay là hiệu quả về mặt văn hóa thì vô cùng lớn. Qua các kỳ Festival nhiều công trình kiến trúc cổ của Đại Nội, cung An định, các lăng tẩm, đình chùa, miếu mạo, phủ đệ… được tôn tạo, tu sửa. Giá trị nhất chính là nhờ Festival Huế nhiều bộ môn nghệ thuật thất truyền, nhiều lễ tế cung đình được nghiên cứu phục dựng như Lễ Tế Giao, lễ Tế Đàn Xã Tắc (năm 2000); tái hiện lại cuộc thao diễn thuỷ binh triều Nguyễn (năm 2010), đêm Hoàng Cung, tôn vinh ca Huế (2014)… Hơn thế nữa, từ co cụm trong khuôn viên Tp Huế, Festival qua các kỳ đã mở rộng không gian diễn xướng đến các làng quê “hương xưa làng cổ”, “Chợ quê ngày hội”, lên núi rừng A Lưới về đầm phá Tam Giang, vào các bệnh viện, trại trẻ mồ côi, ra các công viên, quãng diễn trên đường phố… hết sức thân thiện, gần gũi
Đáng kể hơn, nếu Festival Huế 2000 chỉ có các đoàn nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam và Pháp thì đến Festival Huế 2010 được định hình với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” lần đầu tiên có mặt các đoàn nghệ thuật của 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả 5 châu lục. Trong đó có những quốc gia rất xa xôi như CH Trung Phi, Ucraina, Scotland,Senegal….Và đến Festival 2014 này đã thu hút 66 đoàn nghệ thuật đến từ 37 quốc gia thuộc 5 châu lục. Trong đó, nhiều quốc gia lần đầu cử đoàn nghệ thuật tham dự, như Braxin, Palestine, Rumani, Slovakia, Nauy, Peru, Congo, Mali…
Đánh giá về sức thu hút lan tỏa của Festival Huế, ngài cố vấn Tổng giám đốc UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương Richard Enghenhart cho rằng “Lễ hội văn hoá Huế được tổ chức là một minh chứng cho sự thành công trong việc phục hồi lại các công trình kiến trúc của quá khứ và làm sống lại các truyền thống văn hoá trước đây...".
Đến các con số đầy ý nghĩa
Ngoài quy mô văn hóa mang tính quốc gia và quốc tế thì hiệu quả về kinh tế cũng rất rõ nét. Nếu như Festival Huế năm 2000 chỉ thu hút hơn 410.000 lượt khách tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế, đến Festival 2014 này con số đã nâng lên đến mức kỷ lục với 2,4 triệu lượt khách. Trong đó hơn 23 vạn khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, tăng 25% so với Festival 2012; hơn 10 vạn khách quốc tế là công dân đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 530 cơ sở lưu trú, tại các khách sạn 3-5 sao, lượng khách sử dụng buồng phòng đạt 100% liên tục 5 đêm. Đặc biệt, có 28 hãng lữ hành quốc tế đã tham gia đưa khách đến Festival Huế 2014… Đó chính là thành công lớn.
Ngay các kỳ hội chợ song hành cùng Festival Huế cũng không ngừng tăng lên. Nếu như Festival Huế 2000 chỉ có gần 200 gian hàng với khoảng 100 DN trong nước tham gia thì đến Hội chợ Festival Huế năm 2014 này lại thành công cả về số lượng và chất lượng. Với quy mô hơn 600 gian hàng của 350 DN, tổ chức trong và ngoài nước. Sau 7 ngày đêm, hội chợ đã thu hút trên 100 ngàn lượt khách tham quan mua sắm. Bên cạnh đó, nếu tổng doanh số bán ra tại hội chợ Festival Huế 2012 ước đạt 25 tỉ đồng thì tổng giá trị giao dịch tại hội chợ năm nay đạt trên 45 tỷ đồng cùng hàng chục hợp đồng kinh tế được ký kết…
Và hơn thế nữa…
Quan trọng hơn nữa, từ sức hút của Festival Huế, sự đòi hỏi của thị trường… nhiều làng nghề trong tỉnh đã được khôi phục và phát triển. Trong đó, nhiều đặc sản của Huế như mè xửng, tôm chua, áo dài, tranh thêu, nón lá, hàng mây tre đan, mộc mỹ nghệ…đã theo chân du khách đến với nhiều địa phương trong nước và nước ngoài. Đặc biệt một số làng nghề như mây tre đan Bao La, đúc đồng Phường Đúc, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, diều Huế, nón lá Phú Cam… đã gây được tiếng vang đối với nhiều thị trường nước ngoài.
Rõ ràng qua các kỳ Festival đã thể hiện sự lôi cuốn của Huế. Không những thế đã giúp Huế - Việt Nam gần gũi với phần còn lại với thế giới hơn khi mỗi đoàn nghệ thuật, mỗi du khách đến với Festival Huế là một “Đại sứ thiện chí” góp phần nối kết giữa Huế, Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam như nhã nhạc cung đình, múa cung đình, ca Huế, diều Huế, lân Huế, nón Huế, áo dài, nghệ thuật Huế, hình ảnh Huế... đã không ngừng xuất hiện trên các trang mạng, trên các hãng thông tấn báo chí của nước ngoài, thậm chí cả trên bàn nghị sự của các sự kiện chính trị- văn hóa lớn của các nước trong khu vực và quốc tế…
Festival Huế mãi mãi là điểm đến hết sức thu hút của các đoàn nghệ thuật trên thế giới, là nơi quảng bá hình ảnh thân thiện, hòa bình, nhân văn, thân thiện của người dân Việt. Thành phố Huế xứng đáng là thành phố văn hóa Asean như vừa được tôn vinh.
Theo Báo Công Thương Điện Tử