Trong thời gian qua, các cấp và các ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ngày 27/12/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị số 29/CT- UBND về đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
Chủ động xây dựng, hoàn thiện và phát triển Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số của ngành, đơn vị, địa phương mình trong giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: “4 không” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không tiền mặt) và “một có” (Dữ liệu có chuyển đổi số). Đổi mới phương thức làm việc, phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền số; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; Hoàn thiện: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu mở để chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; Tập trung triển khai chuyển đổi số trong dịch vụ công, trước hết là áp dụng biểu mẫu điện tử (e-form), đảm bảo tối thiểu 20% thông tin của công dân, tổ chức được tự động nhập vào e-form khi nộp hồ sơ trực tuyến, làm cơ sở để hình thành, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo hướng từ phân tán đến tập trung; Có các giải pháp khuyến khích công dân, tổ chức tham gia nộp hồ sơ trực tuyến để tiết kiệm chi phí, công sức trong chuyển đổi số.