Tìm kiếm
Giới thiệu về phường Phú Hội
Ngày cập nhật 01/08/2012

Phường Phú Hội là phường mới được thành lập từ phường Vĩnh Lợi (cũ) tách ra, theo Nghị định số 80/CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/11/1995 (phường Vĩnh Lợi chia tách thành 2 phường: Phú Hội và Phú Nhuận). Với địa hình nhỏ hẹp này đã gắn nhiều di tích lịch sử như Bia tưởng niệm 11 Cô gái Sông Hương (ngã tư Bà triệu - Lê Quí Đôn), Miếu Đại Càn (nơi các chiến sỹ tự vệ khu phố 6 thành phố Huế đã chiến đấu chống thực dân Pháp trước năm 1946) - Ngã tư Hùng Vương-Bà Triệu-Nguyễn Huệ, sau ngày chống Mỹ là nơi cán bộ cách mạng hoạt động;  Bia tưởng niệm nơi Bác Hồ tham gia phong trào chống thuế thuế  (cạnh trường ĐH Sư phạm Huế - đường Lê Lợi, Huế). Phường Phú Hội có : 110,2 ha; Dân số : 2.193 hộ với 9848  nhân khẩu ; Có vị trí: Nằm phía Đông Nam trung tâm thành phố Huế:

+ Phía Bắc giáp phường Vỹ Dạ
+ Phía Đông giáp phường Xuân Phú
+ Phía Nam giáp phường An Cựu
+ Phía Tây giáp phường Phú Nhuận
Toàn phường có 6 khu vực, chia thành 16 tổ dân phố.
 
 Một số đặc điểm kinh tế - văn hóa - xã hội:
- Kinh tế: Đa số người dân ngành nghề chủ yếu là làm thương mại và dịch vụ du lịch, 30 % là cán bộ và hưu trí. Trên địa bàn phường 105  khách sạn, trong đó có các khách sạn của nhà nước (Hương Giang, Century, Kinh Đô) và nhiều khách sạn cao tầng từ 5 sao, có 275 phòng trọ cho sinh viên thuê trọ của các tỉnh xa về học ở Huế ,có nhiều nhà nghỉ và  nhà hàng... Hầu hết mặt tiền ở các trục đường phố, nhân dân buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh, đặc biệt ở các tuyến đường: Hùng Vương, Lê Lợi, Bến Nghé, Đội Cung, Nguyễn Công Trứ, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão,..
Về an ninh-Quốc phòng : Trên địa bàn phường có các cơ quan cấp Tỉnh và Thành phố đóng như  : Sở Công an Thừa Thiên Huế, Ban chỉ huy Quân sự Thành phố Huế, SỞ Tư Pháp, Công Thương, Tài chính-Vật giá, Kế hoạch Đầu tư...
- Văn hóa - xã hội:
UBND phường đã đạt chuẩn văn hóa vào năm 2003.
16 tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa và đăng ký duy trì văn hóa hàng năm. 100% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa.
Tổ chức lễ đăng ký kết hôn thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh (làm điểm cho thành phố) từ năm 2002.
Tỷ lệ hộ nghèo: hiện nay còn 28 hộ theo tiêu chí 500.000đ, chiếm tỷ lệ 1,33%.
Phường có Trường THCS Nguyễn Tri Phương là trường chất lượng cao của Tỉnh đóng trên địa bàn, có Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt và Trường Mầm Non Phú Hội được nâng cấp đầu tư 3 tầng kháng trang, được công nhận trường đạt chuẩn Quốc Gia mức độ I, cơ sở y tế Trạm tế của phường cũng được tầng hóa đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2012 được bắt đầu khám bảo hiểm tự nguyện toàn dân tại trạm.
- Cơ sở tôn giáo: Địa bàn phường có 04 Niệm Phật đường: Phú Lâu, Thường Lạc, Hoàng Quang, Pháp Luân (nay chuyển cho cơ sở Tuệ Tĩnh đường khám chữa bệnh Liên Hoa, hằng năm cơ sở này cũng tham gia công tác khám chữa bệnh miền phí cho gia đình chính sách và hộ nghèo của phương đáng kể gần 10 triệu/năm); 01 nhà niệm của Thiên Chúa giáo; 01 nhà thờ Cao Đài.Tỷ lệ tín đồ theo tôn giáo: 15%.
 Ngành nghề thủ công truyền thống, làng nghề:
Làm hàng lưu niệm từ vật liệu: vỏ sò, ốc, hến... (bà Phạm Thị Lài - tổ dân phố 2)
- Dịch vụ du lịch:
Chủ yếu ở các khách sạn, nhà nghỉ, các điểm dịch vụ du lịch như: 
 
Sân vận động Tự Do
 Sân vận động Tự Do tọa lạc tại góc đường Nguyễn Thái Học - Bà Triệu - Lê Quý Đôn, thuộc phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sân vận động được xây dựng vào năm 1935 với tên gọi ban đầu là Stade Olympique de Hué. Sau đó, triều đình nhà Nguyễn đã đổi tên thành Sân vận động Bảo Long. Từ sau năm 1945, đổi tên là sân vận động Tự Do. Hiện nay, đây là sân vận động duy nhất có đường lòng chảo kiên cố dành cho các cuộc đua xe đạp lẫn đua môtô. Hệ thống lòng chảo ở đây được xây dựng bằng bê tông, nghiêng 45º, chu vi 500m.
Sân đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1960, 1972, 1975, 1976-1977. Tại đây, đã ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra ở Huế. Ngày 23/8/1945, hơn 15.000 người dân Huế đã tập trung chào đón Uỷ ban khởi nghĩa. Ngày 28/8/1945, chào đón phái đoàn Chính phủ Trung ương. Ngày nay, sân vận động Tự Do là nơi tổ chức các trận thi đấu bóng đá diễn ra ở Huế cùng nhiều giải thi đấu thể thao tầm cỡ khác.
Sân có diện tích 55ha, sức chứa khoảng 25.000 khán giả.
 
Chợ An Cựu
 Chợ An Cựu nằm bên bờ Bắc sông An Cựu, xưa thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, nay thuộc phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện nay chỗ nằm ở chỗ tiếp giáp giữa đường Phan Đình Phùng và đường Hùng Vương. Trước đây, chợ có tên là chợ Đường Ngang vì nó nằm trên một trong những đường ngang thẳng góc với sông Hương.
Chợ có từ thời Minh Mạng. Năm 1835, khu vực chợ được dùng để dựng Nam Trường Đình, về sau có người Hoa buôn bán đông đúc. Nay chợ vẫn là một trong những chợ sầm uất ở phía Nam thành phố Huế.
Vị trí chợ ngày xưa bây giờ là Nhà Văn hóa trung tâm. Trước đây, vì gần đó có trại lính Pháp nên người Pháp bắt chợ phải dời đến địa điểm hiện nay. Cũng vì sự kiện này mà ở Huế có câu ca dao.
Kể từ Tây lại, sứ sang
Đò Trường Tiền khác bến, chợ Đường Ngang đổi dời
Ơi em ơi, em ăn ở làm cho có đất có trời
Đừng ham duyên mới phụ lời nước non
 
Làng cổ An Cựu
Làng cổ An Cựu ở Thuận Hoá ngày xưa. Thời Lê thuộc huyện Kim Trà, thời các chúa Nguyễn, làng thuộc tổng Vỹ Dạ, huyện Hương Trà. Từ năm 1835, An Cựu bị tách thành hai làng An Cựu Đông và An Cựu Tây, thuộc huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, bao gồm 10 giáp. Phía Đông giáp làng Thanh Thuỷ Chánh và làng Lang Xá Cồn. Phía Tây giáp là Dương Xuân Thượng và đất Phú Xuân. Phía Nam giáp làng Thanh Thuỷ Thượng. Phía Bắc giáp các làng Xuân Đài, Bình Lục, Vân Dương.
Sau năm 1945, làng An Cựu thuộc xã An Thuỷ, huyện Hương Thuỷ, về sau đổi thành xã Thuỷ An. Thời Việt Nam Cộng Hoà, toàn bộ đất làng An Cựu thuộc quận Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1981, thuộc xã Thuỷ An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1983, làng bị cắt một phần đất lập các phường An Cựu, Phước Vĩnh và Phú Hội.
 
Cầu Tràng Tiền
Vị trí
Cầu Tràng Tiền hay còn gọi là Trường Tiền bắc qua sông Hương là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng giữa lòng thành phố Huế. Đầu cầu phía Bắc nằm trên địa phận phường Phú Hoà, đầu cầu phía Nam là phường Phú Hội.
Lịch sử
Theo Quách Tấn, căn cứ bài thơ Thuận Hóa thành tức sự của nhà thơ Thái Thuận dưới thời vua Lê Thánh Tông thì từ thời Lê, sông Hương đã có cầu. Chiếc cầu lúc này được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau nên có tên gọi là cầu Mây. Sau đó, cầu được sửa chữa theo kiểu có hình cái mống úp lên sông nên còn có tên là cầu Mống. Trải qua bao năm tháng, cầu được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát ván gỗ lim.
Cầu Tràng Tiền như chúng ta thấy hiện nay được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 9 tức 1897 và khánh thành vào năm 1899, có tên là cầu Thành Thái. Công việc kiến trúc do hãng Eiffel (Pháp) thi công và ngay lúc ấy cầu được xây dựng thành 6 vài 12 nhịp. Cầu dài 401,10m, lòng cầu rộng 6,20m, mặt cầu lúc đó được lát bằng ván gỗ lim.
Đến năm Thành Thái 16 (1904) cầu được sửa lại bằng sắt và xi măng. Từ năm 1914 - 1918, người Pháp đổi tên là cầu Clémenceau, là tên của Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ. Năm 1937 cầu Trường Tiền lại được "đại trùng tu" mở thêm hai hành lang hai bên cầu dành cho người đi bộ và xe đạp, với những vòng lan can được mở rộng ở 5 trụ cầu giữa 2 vài làm điểm dừng chân. Lần tu sửa này chỉ mất 3 tháng. Năm 1946 toàn quốc kháng chiến, cầu bị đặt mìn giựt sập hai vài phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để đi lại. Trong thời gian này, cầu được đổi tên và gọi là cầu Nguyễn Hoàng.
Năm Mậu Thân (1968), cầu lại bị chiến tranh làm sụp đổ một lần nữa. Hai năm sau được chính quyền đương thời cho thay thế bằng một vài cầu gỗ. Mãi đến năm 1991 cầu được chính thức khởi công sửa chữa khôi phục.
Tên gọi Tràng Tiền hay Trường Tiền là do người dân xứ Huế đặt cho cầu, vì xưa kia hai bên tả ngạn đối diện cầu, triều đình Huế có thành lập một công trường đúc tiền gọi tắt là Trường Tiền.
Cảnh quan
Trải qua nhiều năm, cầu Tràng Tiền đã gắn bó với người dân Huế, như một biểu tượng đẹp trong lòng họ mỗi khi nghĩ về quê hương. Cầu Trường Tiền có dáng dấp mềm mại, uyển chuyển, thông thoáng, nhẹ nhàng rất thích hợp với tâm hồn trầm lắng, cuộc sống ung dung, thanh thản, tế nhị, dịu dàng của người dân xứ Huế. Cầu được bắc qua khúc sông thơ mộng nhất của Cố đô. Đây là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc của thành phố văn hóa du lịch.
Hình ảnh cầu Tràng Tiền trong văn học nghệ thuật
Cầu Tràng Tiền với tên gọi là cầu Mống lần đầu xuất hiện trong thơ Thái Thuận qua bài Thuận Hóa thành tức sự. Đây là bản dịch của nhà thơ Quách Tấn:
 
Ghe thuyền qua lại sớm liền trưa
Cầu Mống giăng sông cửa nước chừa
Mây lẫn bóng non trời rộng mở
Gió dồn tiếng sóng biển xa đưa
Chợ chiều tấp nập thân là lụa
Nét bút bồi hồi nhịp trúc tơ
Ca nữ quản bao dòng huyết hận
Địch đài trổi khúc lạc mai xưa
 
Sau đó, cầu Tràng Tiền in dấu trong ca dao:
Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội e lắm anh ơi
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông trời nên xa
 
Năm 1906, cầu được đúc lại bằng bê tông cốt thép nên trong dân gian cũng có câu:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Tràng Tiền đúc lại xi - măng
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non
 
Năm 1946, khi cầu bị giật mìn sập, lại có câu ca:
- Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên qua lại
Kể từ đời Thành Thái đến nay
Chạnh lòng biết hỏi ai đây
Việc chi nên nỗi dang tay đứt cầu?
- Chí quyết thắng Pháp Tây
Nên cầu này phải phá
Qua sông còn nhiều ngã
Đừng buồn bã em ơi
Nước non khôi phục được rồi
Cầu này bắc lại không mấy hồi đó em...
 
Cầu Tràng Tiền cũng thể hiện trong thơ Nguyễn Bính với lối so sánh rất thú vị:
Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ
Đôi bờ đôi cánh tay vua
Cung nga úp mặt làm thơ thất tình
...
Bồng bồng sáu nhịp cầu cao
Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh.
Cầu Tràng Tiền còn xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật khác như tranh, nhiếp ảnh và cả trong các bộ tem về phong cảnh Việt Nam.
Tin mới
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 877.356
Truy cập hiện tại 875