Tìm kiếm

 

Liên kết website
UBND Thành phố Huế: Chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa, lũ, sạt lỡ đất trên địa bàn thành phố
Ngày cập nhật 18/10/2023

Triển khai Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 18/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa, lũ, sạt lỡ đất. Để chủ động ứng phó với mưa, lũ, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu:

1. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể thuộc thành phố, Chủ tịch UBND 36 phường, xã:

- Theo chức năng, nhiệm vụ, theo địa bàn được phân công theo dõi, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện nêu trên; Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 13/10/2023 của UBND thành phố; Công văn số 8387/UBND-PCTT ngày 16/10/2023 của UBND thành phố về cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đợt mưa lũ từ ngày 10-30/10/2023 và các chỉ đạo có liên quan.

- Trực tiếp xuống địa bàn được phân công để phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

2. Chủ tịch UBND 36 phường, xã:

- Khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Chú ý sạt trượt sườn đồi dốc trên địa bàn các phường, xã: Hương Thọ, Thủy Bằng, An Tây; sạt lở bờ sông Hương đoạn qua các xã, phường: Hương Thọ, Hương Hồ,…; Đặc biệt lưu ý điểm nguy cơ sạt trượt rất cao ở điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén) thôn Hải Cát, xã Hương Thọ. Đề phòng sạt lở bờ biển khu vực xã Hải Dương, phường Thuận An,…

- Kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực cửa sông, ven sông, ven biển, ven phá; nghiêm cấm việc người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh, nuôi trồng thủy sản, các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, các khu vực có nguy cơ bị sạt lỡ, lũ quét, ngập lụt... Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ “ Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ”.

- Rà soát toàn diện công tác dự trữ vật tư, phương tiện, hàng hóa, lương thực, thuốc men thiết yếu, nhất là tại khu vực thường xuyên xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, vùng thấp trũng; tuyên truyền người dân thực hiện tốt việc dự trữ tại chỗ.

- Chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn. Kiểm tra, rà soát khu tránh trú bão phục vụ các tàu, thuyền thủy sản; công tác đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền vận tải.

- Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ.

- Sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn để đưa người bệnh, người già yếu, trẻ em, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ sắp sinh con... đến các điểm tránh, trú và cơ sở y tế gần nhất.

- Thường xuyên báo cáo tình hình triển khai ứng phó mưa lũ về Phòng Kinh tế - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố để tổng hợp báo cáo theo quy định.

2. Phòng Kinh tế thành phố:

- Làm tốt nhiệm vụ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra, rà soát khu tránh trú bão, trang thiết bị an toàn của các tàu, thuyền thuỷ sản. Phối hợp với Điện lực Thừa Thiên Huế kiểm tra phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các ngành, địa phương.

- Hướng dẫn, kiểm tra các phường, xã đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản trước và trong mưa bão. Chủ động rà soát phương án dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

- Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ứng phó mưa lũ.

3. Phòng Quản lý Đô thị thành phố:

- Phối hợp với Công an thành phố tăng cường bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết. Tổ chức phân luồng giao thông tại các điểm ngập úng cục bộ; Bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, sườn núi, ven sông, ven biển, khu vực ngầm tràn để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

- Chỉ đạo các chủ đầu tư công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công. Căn cứ diễn biến mưa lũ để chỉ đạo rút toàn bộ công nhân, người lao động ra khỏi các lán, trại, các khu vực nguy hiểm.

4. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố:

- Chỉ đạo, kiểm tra phương án đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thuộc phạm vi quản lý.

- Căn cứ tình hình và diễn biến mưa, lũ để triển khai phương án cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn cho phụ huynh, giáo viên và học sinh, nhất là các trường học, cơ sở giáo dục vùng thấp, trũng.

5. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố:

- Tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.

- Thường xuyên thông báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, mực nước, lệnh vận hành hồ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh.

6. Trung tâm Công viên Cây xanh thành phố chủ động rà soát, cắt tỉa cây xanh ngã, đỗ để đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng, tài sản của người dân.

7. Trung tâm Y tế thành phố

- Tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu, hóa chất xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh trong mọi tình huống.

- Chỉ đạo các Trạm Y tế phường, xã xây dựng kế hoạch dữ trữ thuốc men, thiết bị vệ sinh, dung dịch khử khuẩn; triển khai phương án hỗ trợ người dân cấp cứu, sơ cứu, tai nạn do mưa, lũ gây ra.

8. Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế chủ động triển khai phương án khơi thông dòng chảy các cống, rãnh thoát nước, tránh ngập úng cục bộ. Tổ chức xử lý bùn, đất tại các vị trí sau khi hết lũ.

9. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố; Công an thành phố rà soát, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, sơ tán, triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn.

  10. Chế độ ứng trực: Các Phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24 để theo dõi, triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ.  

  11. Chế độ thông tin, báo cáo: Yêu cầu các đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật, báo cáo kết quả về Phòng Kinh tế - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố trước 15h00 hàng ngày để tổng hợp, báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

  Các đơn vị, địa phương chủ động triển khai, linh hoạt phương án ứng phó với mưa, lũ; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

  Giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp với các Phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung tại Công điện này./.

 

Tập tin đính kèm:
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.057.659
Truy cập hiện tại 346