Tìm kiếm

 

Liên kết website
Hội nghị Trung ương 9 bế mạc
Ngày cập nhật 15/05/2014

          Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc chiều nay, 14/5.

        

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị (3 nội dung lớn) và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Về nội dung lớn thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị đã xem xét kết quả tổng kết và nhất trí ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hội nghị thống nhất nhận định, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, tư duy lý luận về văn hóa đã có bước phát triển; thể chế văn hóa từng bước được xây dựng, hoàn thiện; đời sống văn hóa ngày càng phong  phú. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa và phát huy; nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Sản phẩm văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng; nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực...

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Trung ương chỉ rõ phải tiếp tục kế thừa, bổ sung và phát triển quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đồng thời nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn nội lực sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Về nội dung lớn thứ 2, Hội nghị đã thống nhất về tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo đó, Trung ương đồng tình về cơ bản với Dự thảo Đề cương Báo cáo Chính trị và Đề cương Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội XII trong việc tiếp tục thực hiện Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), từ đó định hướng cho 2 Tiểu ban và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh đề cương và xây dụng dự thảo các văn kiện Đại hội để trình Hội nghị Trung  ương 10 xem xét, quyết định vào cuối năm nay.

Trung ương yêu cầu, việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XII phải thể hiện tinh thần tiếp tục đổi mới, chăm lo cho công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khai thác mọi nguồn lực, vật chất, tinh thần, trong nước và ngoài nước, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững...

Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện, phải căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XI, các Nghị quyết của Trung ương và kết quả tổng kết 30 năm đổi mới, đồng thời bám sát thực tiễn cuộc sống của đất nước để đánh giá một cách khách quan, khoa học các vấn đề; phân tích sâu sắc các nguyên nhân; dự báo có cơ sở khoa học triển vọng tình hình trong và ngoài nước để từ đó xác định đúng đắn phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ tới.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh cần đặc biệt đi sâu phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2010-2015; dự báo khả năng thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2010-2020), nhất là khả năng thực hiện mục tiêu tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng làm rõ một số vấn đề lớn quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, xã hội; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, trong khu vực, nhất là tình hình Biển Đông hiện nay, cần có sự quan tâm đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đang đặt ra và chủ trương, biện pháp cần áp dụng để giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, trong khu vực, nhất là tình hình Biển Đông hiện nay, cần có sự quan tâm đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đang đặt ra và chủ trương, biện pháp cần áp dụng để giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Nhận định, đánh giá thật sát, đúng về kết quả đấu tranh, đẩy lùi 4 nguy cơ mà Đảng ta đã cảnh báo để có chính sách, biện pháp phù hợp, bảo đảm thực hiện thành công Chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã được Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ban hành gần đây.

Về nội dung lớn thứ 3, Hội nghị đã thảo luận dân chủ, xem xét thận trọng và thống nhất kết luận, cho ý kiến chỉ đạo đối với một số vấn đề quan trọng khác.

Một là, về công việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng vào Tờ trình và Dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị. Đồng thời nhấn mạnh, đây là công việc trọng tâm, cần sớm được triển khai thực hiện, với tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Hai là, về quy chế bầu cử trong Đảng, Trung ương đã thảo luận rất kỹ và nhất trí ban hành Quy chế mới của Ban Chấp hành Trung ương trên cơ sở kế thừa Quy chế Bầu cử trong Đảng do Bộ Chính trị các khóa trước ban hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định mới quan trọng.

Ba là, về đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy định 165 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị và khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian qua nhìn chung được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, do đây là công việc mới, chưa từng làm, nên cũng còn có những hạn chế, khiếm khuyết, lúng túng cần được kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung điều chỉnh.

Bốn là, về thí điểm không tổ chức HĐND, quận, phường, Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và dân dân các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm không tổ chức HĐND theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và Nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII. Trung ương nhất trí về cơ bản với những nhận định, đánh giá tình hình và đề xuất của Ban cán sự Đảng Chính phủ, yêu cầu Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh đề án trình Quốc hội xem xét, quyết định trong quá trình chuẩn bị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Năm là, đối với Đề án Tổ chức Đảng bộ ngoài nước, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định: Đảng bộ ngoài nước trực thuộc Trung ương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Bí thư; giao Bộ Chính trị xem xét, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng ủy ngoài nước theo quy chế làm việc.

Tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối nhiệm kỳ khóa XI là rất rõ ràng nhưng cũng hết sức nặng nề. Kinh tế-xã hội tuy có những chuyển biến tích cực, đúng hướng nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu, nhưng vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém. Đặc biệt là tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Theo baodientu.chinhphu.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.270
Truy cập hiện tại 482