Tìm kiếm

 

Liên kết website
Ngày 22/10/2012: Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII
Ngày cập nhật 24/10/2012
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp.
Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước; các vị lão thành cách mạng, nhiều vị đại biểu QH các khóa trước, các vị trong Ðoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; cùng các đại biểu QH khóa XIII.
Trước khi vào họp phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu QH đã đặt vòng hoa tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của kỳ họp.
Ðúng 9 giờ, QH họp phiên khai mạc. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp nêu rõ: Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng như: các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2012; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013; cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở đó xem xét, quyết định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn; xem xét, thông qua chín dự án luật; tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai"... (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Báo cáo nêu rõ, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Ðảng và QH, đạt và vượt 10 trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch. Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô chuyển biến theo hướng ổn định hơn, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, khẳng định vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển đất nước. Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được một số kết quả bước đầu. An sinh xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt những kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Trật tự an toàn xã hội có tiến bộ. (Toàn văn bản Báo cáo đăng trên số báo hôm nay).
Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Báo cáo cho biết: Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã tổng hợp được 1.396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Cử tri và nhân dân cho rằng, năm 2012, trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát bước đầu được kiềm chế, an sinh xã hội được quan tâm; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân hoan nghênh và kỳ vọng vào kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay". Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn trước thực trạng nền kinh tế tuy có bước phát triển nhưng chưa bền vững. Ðời sống, việc làm của nhân dân còn khó khăn. Tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi.
Cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, cử tri và nhân dân mong muốn Ðảng quan tâm lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước, MTTQ và các đoàn thể từ T.Ư đến cơ sở vững mạnh; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cử tri kiến nghị Bộ Chính trị sớm ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; chỉ đạo triển khai trên phạm vi toàn quốc Quy chế MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh. Nhà nước cần đổi mới phương thức điều hành, quản lý xã hội để phát huy dân chủ, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Cử tri và nhân dân cũng kiến nghị QH khi xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần tiếp tục khẳng định, đồng thời bổ sung, cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; sớm ban hành và thực thi có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn. QH, Chính phủ có các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để giải quyết tình trạng nói trên nhằm phát triển kinh tế bền vững và bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp. QH khi xem xét sửa đổi Luật Ðất đai cần tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu của toàn dân; đồng thời có những quy định cụ thể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất.
Thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Báo cáo nhấn mạnh, năm 2012 là năm vẫn còn chịu tác động không thuận từ sự phục hồi tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, cùng với khó khăn, hạn chế mang tính cơ cấu tồn tại nhiều năm của kinh tế nước ta và tính hai mặt của chính sách thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiến hành từ tháng 2-2011. Việc thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đặt trong bối cảnh hết sức khó khăn. Dự kiến năm nay có 10 trong số 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết QH là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Ðối với những tháng còn lại của năm, phần lớn ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý hài hòa giữa các vấn đề trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính minh bạch, công khai, kỷ cương, kỷ luật trong điều hành, chủ động thông tin chính xác, rõ ràng đến người dân và doanh nghiệp để tăng thêm niềm tin, đồng thuận đối với các chính sách đề ra.
Cuối giờ sáng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012 và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra đối với bản báo cáo nói trên. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thời gian qua, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và với trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành và chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của nhân dân, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được phát hiện, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng so với cùng kỳ năm 2011; tỷ lệ tội phạm tham nhũng hưởng án treo giảm. Tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng nhìn chung công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước.
Trong thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo để sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng và các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Ðề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; đề cao ý thức tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là cán bộ cao cấp ở T.Ư và người đứng đầu các ngành, các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của QH đề nghị Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu hơn, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng phát huy hiệu quả cao nhất.
Buổi chiều, QH nghe Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ.
Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Báo cáo nêu rõ, thời gian qua, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ðảng, QH và Chính phủ, lực lượng công an đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp các ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, huy động cao nhất lực lượng, phương tiện, liên tục mở đợt cao điểm vận động quần chúng nhân dân tiến công, trấn áp tội phạm, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Vì vậy, đã tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; kiềm chế được tốc độ gia tăng của tội phạm, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm tăng với tính chất phạm tội nghiêm trọng; tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an ngày càng gia tăng; tội phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong thời gian tới, cùng với các biện pháp nghiệp vụ tổng hợp, lực lượng công an sẽ tiếp tục mở các đợt tiến công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, ổ nhóm phạm pháp hình sự nguy hiểm, kết hợp đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm hình sự, tham nhũng, kinh tế...
 Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Báo cáo nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành kiểm sát đã nỗ lực phấn đấu, đạt kết quả tích cực trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa từng bước đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật trong điều tra, xét xử các vụ án hình sự được tăng cường, vai trò của Viện Kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm được phát huy.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Báo cáo cho biết, năm 2012, qua công tác xét xử cho thấy, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ án xảy ra với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các vụ án dân sự có xu hướng tăng, chiếm tỷ lệ cao và phức tạp về tính chất liên quan nhiều tới đất đai, nhà ở. Tuy nhiên, với nỗ lực của toàn ngành, công tác xét xử các vụ án đạt được những kết quả tích cực. Công tác giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu nại hành chính có nhiều tiến bộ về tiến độ và chất lượng giải quyết. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày cơ bản nhất trí với các bản báo cáo nói trên. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của QH cũng đề nghị Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục có những biện pháp tích cực chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chú trọng thu hồi tài sản bị xâm phạm, bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, chức vụ và tham nhũng.

Theo www.na.gov.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.270
Truy cập hiện tại 560