Tìm kiếm

 

Liên kết website
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2014
Ngày cập nhật 07/11/2014

Bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất; không hạn chế mức giảm, số lần giảm giá xăng dầu; quy định mới về mức thu phí đường bộ; miễn thuế nhập khẩu linh kiện y tế;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2014.

Bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, việc thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán phải đảm bảo các nguyên tắc: Hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn.

Việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ thực hiện sau khi bán đấu giá không thành công (không có hoặc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá) hoặc không bán hết số cổ phần, phần vốn nhà nước chào bán qua đấu giá, trừ trường hợp bán thỏa thuận các cổ phiếu đã niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom với giá bán thỏa thuận quy định. Trường hợp bán thỏa thuận không thành công thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại...

Quyết định có hiệu lực từ 1/11/2014.

Không hạn chế mức giảm, số lần giảm giá xăng dầu

Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có  hiệu lực từ 1/11/2014, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn tối đa 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.

Thu hút chuyên gia nước ngoài hoạt động KHCN tại Việt Nam

Theo Nghị định quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam có hiệu lực từ 10/11/2014, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam sẽ được hưởng các chính sách thu hút về xuất nhập cảnh và cư trú, về tuyển dụng, lao động, học tập, về lương, nhà ở, tiếp cận thông tin, chính sách về khen thưởng, vinh danh và một số chính sách khác nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Miễn thuế nhập khẩu linh kiện y tế

Theo quy định tại Quyết định 54/2014/QĐ-TTg, hàng hóa là linh kiện nhập khẩu cho dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày dự án bắt đầu sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế.

Hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu theo quy định trên phải là linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo của các dự án đầu tư được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo theo quy định; và là linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Quyết định có hiệu lực từ 15/11/2014.

Từ 15/11/2014 áp dụng nhiều quy định mới về thuế GTGT

Từ 15/11/2014, nhiều quy định mới về thuế giá trị gia tăng sẽ được thực hiện theo Thông tư 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính mới ban hành hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.

Trong đó, đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hoá, dịch vụ mua từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hoá, dịch vụ bằng văn bản, hoá đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ).

Quy định mới về mức thu phí đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC thay thế Thông tư số197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, có hiệu lực thi hành từ 1/11/2014, mức thu phí đối với xe mô tô (không bao gồm xe đạp điện) như sau: Tối đa là 100.000 đồng/năm đối với loại có dung tích xy lanh đến 100 cm³; tối đa là 150.000 đồng/năm đối với loại có dung tích xy lanh trên 100 cm³.

Căn cứ mức thu phí đối với xe mô tô nêu trên, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Thông tư cũng đã quy định cụ thể mức thu phí đối với ô tô.

Hướng dẫn chế độ luân phiên của thầy thuốc

Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTgngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (người hành nghề), người hành nghề thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 6 tháng được quy đổi bằng 132 ngày làm việc; tối đa 12 tháng được quy đổi là 264 ngày làm việc.

Chế độ trợ cấp đặc thù hàng tháng bằng 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) được tính theo số ngày thực tế làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên trong tháng và được chi trả cùng kỳ lương tháng kế tiếp.

Thông tư có hiệu lực từ 10/11/2014.

Theo baodientu.chinhphu.vn

 

Người lao động phải đóng 01 ngày lương/năm vào quỹ phòng chống thiên tai

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; trong đó quy định Quỹ phòng, chống thiên tai thành lập ở cấp tỉnh, đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/12/2014.

Theo đó, Nghị định này quy định công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên đến hết tuổi lao động phải có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai theo các mức cụ thể như sau: Cán bộ, công chức, viên chức đóng 01 ngày lương/người/năm theo các mức lương cơ bản sau khi trừ thuế, bảo hiểm phải nộp; người lao động trong các doanh nghiệp phải đóng 01 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng; người lao động khác đóng 15.000 đồng/năm. Đối với các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, mức đóng góp bắt buộc trong 01 năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có nhưng tối thiểu 500.000 đồng và tối đa là 100 triệu đồng.

Các đối tượng được miễn đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai bao gồm: Thương binh, bệnh binh; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ; sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề; người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo; người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 06 tháng trong 01 năm trở lên; thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo…

Hàng năm, cá nhân phải nộp Quỹ 01 lần trước ngày 30/05; tổ chức kinh tế hạch toán độc lập có thể nộp tối thiểu 50% trước ngày 30/05 và nộp số còn lại trước ngày 30/10. Thủ tưởng tổ chức kinh tế hạch toán độc lập; thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu tiền quỹ và chuyển vào tài khoản của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh hoặc tài khoản cấp huyện do UBND cấp tỉnh ủy quyền.

Theo thuathienhue.gov.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.270
Truy cập hiện tại 400