Tìm kiếm

 

Liên kết website
HUẾ, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHÌN LẠI VÀ HƯỚNG ĐI TỚI
Ngày cập nhật 20/10/2015

    Chúng ta đều biết Huế là cố đô, kinh đô của Triều Nguyễn. Quần thể di tích này đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa của nhân loại từ năm 1998. Qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, hiện nay Huế vẫn giữ được sự hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại, đang ổn định và phát triển tiến bộ.

    Người viết không có tham vọng và cũng không đủ trình độ để nhìn lại cả quá trình đi lên của Huế về mọi mặt. Phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến một giai đoạn ngắn qua một nhiệm kỳ 5 năm kể từ Đại hội Đảng bộ Thành phố 2010-2015 và hướng phát triển nhiệm kỳ 2015-2020 thêm một giai đoạn 5 năm nữa và những bước tiếp theo.
    Huế được xác định là một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc, TP Festival, Trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, Trung tâm y tế chuyên sâu và Trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực và cả nước, động lực phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, gần đây Huế được công nhận là “TP văn hóa Asean”, “TP bền vững môi trường Asean”.

    + Thành tựu của Huế sau 5 năm (2010-2015):
      - Một vài số liệu tổng quát về kinh tế - xã hội: Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất bình quân tăng 11,38% năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 2500 USD, thu ngân sách đạt 900 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 16.000 tỉ đồng. Tỉ trọng du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm 73%, công nghiệp, xây dựng chiếm 27%. Những con số này không phải khô khăn mà là con số biết nói lên sự cố gắng phấn đấu của Huế.
      - Những mũi nhọn mà TP đã tập trung:

    Về du lịch - dịch vụ - thương mại: Huế đã tập trung khai thác được lợi thế của vùng đất là di sản văn hóa thế giới, TP Festival của Việt Nam để phát triển. Bên cạnh những hạn chế, thì cần thấy môi trường du lịch đã được cải thiện, sản phẩm du lịch phong phú đa dạng hơn, tính chuyên nghiệp của Festival Huế 2 năm tổ chức 1 lần, Festival nghề truyền thống vào năm lẻ, các hoạt động văn hóa, lễ hội, lễ hội tâm linh ngày càng được nâng cao hơn về chất lượng. Từ đó thu hút khách du lịch ngày càng có xu hướng tăng. Lượng khách đến Huế năm 2015 đạt trên 2 triệu người, tăng 1,37% so với năm 2010, trong đó khách quốc tế tăng 1,65 lần. Doanh thu du lịch bình quân tăng 17,8% năm, doanh thu dịch vụ tăng bình quân 27,5% năm.

    Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Một số ngành nghề, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống, công nghệ phần mềm đang được đầu tư phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế như nghề mộc mỹ nghệ, pháp lam, đúc đồng, cụm công nghiệp An Hòa có 42 dự án đầu tư sản xuất thu hút hơn 4000 lao động. Giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 11,6% năm. Giá trị sản xuất CN-TTCN do TP quản lý tăng 15,1% năm, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tăng 11,3% năm.

    Nhìn chung, các thành phần kinh tế phát triển khá nhanh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế. Đáng quan tâm là hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Trong 5 năm, TP tiếp nhận 3 dự án ODA với 220 triệu USD, thu hút đầu tư công nghệ phần mềm 1,1 triệu USD, tiếp nhận nguồn viện trợ không hoàn lại cho các chương trình phúc lợi xã hội gần 100 tỉ đồng, TP có quan hệ hợp tác với 43 đối tác. Hàng năm đều có tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề quốc tế tại Huế ...

    Một hoạt động rất quan trọng không thể thiếu, đó là công tác qui hoạch đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho Huế. Về qui hoạch đã tập trung hoàn thành Điều chỉnh qui hoạch chung TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, qui hoạch phát triển bền vững du lịch Huế đến năm 2020, qui hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương, qui hoạch các khu dân cư, qui hoạch hạ tầng kỹ thuật giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, nghĩa trang, công viên, điểm xanh, xử lý rác ... Qua triển khai từng bước các dự án theo qui hoạch, bước đầu đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận như định cư khu vạn đò, chỉnh trang cảnh quan sông Ngự Hà, hình thành các khu đô thị mới An Đông, Bầu Vá, Lịch Đợi, hệ thống cầu qua sông An Cựu, cầu Dã Viên, cầu Đông Ba, nâng cấp mở rộng đường Đống Đa, Điện Biên Phủ, hệ thống thoát nước bề mặt, điện chiếu sáng, trồng cây làm cho môi trường cảnh quan TP ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

    Bên cạnh đó, các nhiệm vụ trọng tâm khác vẫn được song song triển khai: quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, đối ngoại ...
    Riêng về hoạt động văn hóa du lịch nổi trội là góp phần với tỉnh trong tổ chức Festival ngày một tiến bộ hơn, quảng bá hình ảnh các di tích thông qua T.T Bảo tồn di tích cố đô, tổ chức thành công các kỳ Festival nghề truyền thống, thành lập Bảo tàng Văn hóa Huế, hình thành các tour tuyến du lịch mới, nhiều khách sạn nhà hàng được xây dựng và dần nâng cao tính chuyên nghiệp trong dịch vụ phục vụ ...
    Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, Huế đã đón nhận những sự giúp đỡ quý báu, những ý kiến tham gia đóng góp rất tâm huyết đáng trân trọng để thành phố này mãi mãi là dấu ấn khó phai mờ trong lòng du khách trong ngoài nước.
    Huế luôn luôn thể hiện ý chí và quyết tâm phát huy cao độ các tiềm năng lợi thế sẵn có, khai thác tối đa các nguồn lực, xây dựng được những mô hình đột phá để Huế ngày càng tiến bộ đi lên về nhiều mặt, đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân Huế và du khách đến Huế!

    + Con đường phía trước của Huế:
    Có nhiều việc cần làm, nhiều đích cần vươn tới để Huế xứng đáng với tầm vóc, tiềm năng riêng có của vùng đất này. Điều đó không dễ dàng đến mà trước hết cần có nhận thức đầy đủ về khát vọng vươn lên làm cho bộ mặt của đô thị Huế thay đổi nhanh, gây được ấn tượng sâu sắc cho những ai đã đến đây. Một con phố nhỏ đầy bóng cây xanh, những con thuyền lênh đênh trên dòng Hương thơ mộng vang vọng giọng hò Huế, những món ăn đặc sản, những lăng tẩm đền đài rêu phong gắn với dòng thời gian trôi chầm chậm của đất thần kinh một Huế trầm mặc.
    Một câu hỏi lớn được đặt ra: Huế sẽ đi lên như thế nào trong thời gian trước mắt để khắc phục những hạn chế, những tồn tại, vững bước phát triển với những lợi thế vốn có.
    Những năm tới hợp tác, hội nhập vẫn là xu thế lớn của quốc tế và khu vực. Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Huế sẽ tiếp tục được sự quan tâm đầu tư của T.W, của tỉnh, sự nỗ lực tự thân, Huế phải có quyết tâm phấn đấu phát triển nhanh và bền vững. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển nhanh dịch vụ, du lịch, công nghiệp, công nghệ cao, nghiên cứu mở rộng địa giới đô thị Huế phù hợp với qui mô đô thị loại I theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường, văn minh hiện đại”. Trong 5 năm tới (đến năm 2020) phấn đấu có thu nhập bình quân đầu người đạt 3500-4000 USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10-12% năm (đạt 20.000 đến 25.000 tỷ đồng). Doanh thu du lịch tăng bình quân 15-17%, lượng khách du lịch đến Huế đạt trên 3 triệu người (trong đó khách quốc tế chiếm 45-50%) ...

    Về văn hóa du lịch, Huế sẽ tập trung đầu tư phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch như du lịch nhà vườn, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh (tắm bùn, suối nước nóng), hội nghị, hội thảo  chuyên đề ... Tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, lễ hội, nâng cao chất lượng các kỳ Festival, chương trình nghệ thuật tái hiện sự kiện lịch sử của thành phố Festival Việt Nam, TP văn hóa Asean.

    Tổ chức xây dựng phát triển tuyến du lịch sinh thái sông Ngự Hà, Kẻ Vạn, Thượng Thành, phố đi bộ, phố đêm Nguyễn Đình Chiểu, có thể thêm tuyến phố đường Trương Định, Phạm Hồng Thái, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An kết hợp với việc nâng cấp các nhà hàng đặc sản ẩm thực, bán hàng lưu niệm; nâng cấp các bến thuyền du lịch có ca Huế trên sông Hương ... Quyết liệt hơn nữa để thực hiện không chèo kéo, không cò mồi, không ăn xin, không đeo bám, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh lịch sự. Học tập, trao đổi kinh nghiệm với các TP du lịch trong ngoài nước.
    Cần đề cập riêng về du lịch tâm linh ở Huế, vì đây là loại hình du lịch hấp dẫn đang thu hút du khách. Huế có thế mạnh về loại hình du lịch đang còn mới mẻ này. Xây dựng được tuyến du lịch này sẽ đem lại nhiều ý nghĩa, một yếu tố quan trọng tạo dựng bản sắc văn hóa Huế. Tín ngưỡng dân gian của vùng đất cố đô gắn liền với việc khai thác du lịch tâm linh cần được nhận thức đầy đủ để khai thác mặt tiềm năng lợi thế sẵn có trong quá trình hội nhập hiện nay.
      Huế có hệ thống đền đài lăng tẩm triều Nguyễn và có hơn 300 ngôi chùa, Niệm Phật đường lớn nhỏ. Trong đó có những ngôi tổ đình, cổ tự, chùa chiền nổi tiếng từ lâu như Chùa Thiên Mụ, Bảo Quốc, Từ Đàm, Trúc Lâm, Tây Thiên, Hồng Ân, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Trà Am, Vạn Phước, Diệu Đế, Quốc Ân, Khải Ân, Kim Tiên, Tường Vân, xa hơn có Trúc Lâm Thiền viện, TT Văn hóa Huyền Trân, chùa Ba la Mật, điện Hòn Chén, tượng đài Quán Thế Âm...

    Chúng ta và du khách hàng năm đều chứng kiến các lễ hội tâm linh như lễ Phật Đản (15.4 ÂL), lễ Vũ Lan (15.7 ÂL), lễ hội Điện Hòn Chén (tháng 5, 7 ÂL), lễ cúng Âm hồn (23.5 ÂL);  Lễ tế Đàn Nam Giao, Xã Tắc, các lễ Cầu siêu, cầu an, lễ Thu tế, lễ hội Cầu Ngư, hội vật Làng Sình... Những lễ hội truyền thống có tính chất đặc trưng trong đời sống tín ngưỡng trên có thể trở thành điểm nhấn để hình thành một tuyến du lịch đặc sắc khác lạ, gây ấn tượng sâu đậm, phần lớn đều nêu bật giá trị về các di sản tôn giáo vật thể, phi vật thể, trong đó có Phật giáo, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác. Có người quan niệm cho rằng các nghi lễ tụng niệm của Phật giáo là một loại hình âm nhạc tôn giáo.

    Chính vì những vấn đề nêu trên, vừa qua Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Phân viện nghiên cứu nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề  “Vấn đề di sản tôn giáo miền Trung”. Qua các ý kiến tham luận đã nêu bật được giá trị di sản văn hóa tôn giáo, đặc biệt đối với di sản tôn giáo ở vùng đất cố đô, nhằm góp phần trong việc nhận thức đầy đủ, khoa học hơn nội dung nêu trên. Từ đó việc hình thành mô hình du lịch tâm linh ở Huế là hết sức cần thiết.
    Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Huế được như hôm nay là nhờ luôn luôn được sự hỗ trợ tinh thần, vật chất của T.W, của tỉnh, các tỉnh, TP trong cả nước và bạn bè quốc tế. Trong bước đường đi lên sắp đến, Huế cần hơn nữa những tấm lòng, những sự hỗ trợ cần thiết và tự thân phải nổ lực cố gắng nhiều hơn nữa.
    
 

Nguyễn Cương - Chi bộ 4
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.270
Truy cập hiện tại 323