Tìm kiếm

 

Liên kết website
Chống ùn tắc giao thông đường bộ với đề án “Tái phát triển xe đạp”
Ngày cập nhật 15/03/2016

Lâu nay chúng ta thường đề cập đến các vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông, an toàn và văn hóa giao thông. Các giải pháp đã được đề ra nhằm khắc phục nhưng hiệu quả chưa cao. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM xem ra vẫn là vấn đề nan giải. Xin đề xuất một giải pháp đơn giản để góp phần giải quyết những khó khăn trên: Đó là đề án “Tái phát triển xe đạp”


Ai cũng  đều biết trong những thập kỉ trước đây xe đạp đóng vai trò chủ yếu trong giao thông đường bộ ở đô thị. Vào những năm chống chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kì ở miền Bắc, để di sơ tán, xe đạp rất có giá trị. Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỉ trước trở lại đây, tỉ lệ xe đạp trong giao thông đường bộ giảm sút dần đáng kể. Theo một thống kê gần đây cho biết: vào năm 1990, Hà Nội có 1.578.000 chiếc xe đạp và 70.000 xe máy thì tới năm 2010, số lượng xe đạp chỉ còn khoảng 1 triệu chiếc, nhưng xe máy lại tăng lên tới 3 triệu chiếc và con số này lại càng tăng nhanh hàng năm. Hiện này ở TP Hà Nội có 4,5 triệu xe máy, trên 1 triệu xe ô tô, khoảng 19.000 ô tô, xe máy được đăng kí mới mỗi tháng (số liệu đến tháng 3/2016)
Theo tính toán thì đến năm 2020 ở HN tỉ lệ xe đạp sẽ giảm dần từ mức năm 2005 là 20%, xuống còn 14% vào năm 2010 và 10% vào năm 2020. Thực tế còn giảm đến mức chỉ còn 2,8%!
Trong những năm gần đây, nhiều nước phát triển trên thế giới đều vận động mọi người nên đi xe đạp trong thành phố, hạn chế xe máy, ô tô, vừa để rèn luyện thân thể, chống ùn tắc giao thông và chống ô nhiễm môi trường do bụi khói xăng, lại tiết kiệm được sử dụng nhiện liệu đáng kể, một số nước đã phát động phong trào những ngày không có ô tô, xe máy trên đường phố. Từ đó đã có nhiều kiểu dáng xe đạp rất đẹp mắt, tiện lợi, giá cả cạnh tranh ra đời (chưa kể đến xe đạp điện mới phát triển trong những năm gần đây).
Do tình hình thực tế hiện nay về giao thông đường bộ đô thị, nhất là các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế…có mật độ lưu thông cao của ô tô, xe máy thì chúng ta cần có đề án “Tái phát triển xe đạp”. Đặc biệt đối với người cao tuổi cần đi ra đường, trẻ em đến trường thì xe đạp là phương tiện giao thông hết sức thuận lợi, cần thiết, nhưng lúc này bị hạn chế rất nhiều do không an toàn, đôi khi lại nguy hiểm nữa vì bị xe máy và ô tô lấn át trên đường phố nhỏ hẹp, giao thông lộn xộn. Muốn khắc phục tình trạng trên trong quy hoạch giao thông đường bộ của các thành phố lớn nói chung cần chú trọng các giải pháp ưu tiên dành phần đường cho người đi bộ và xe đạp, phát triển giao thông công cộng mới hạn chế được các loại ô tô, xe máy. Trên cơ sở này, quy hoạch thêm một số tuyến phố đi bộ, đi xe đạp phục vụ khách du lịch.
Nhiều người mong muốn được thoải mái đạp xe trên đường phố mà không phải đề phòng những tai nạn rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi đang tham gia giao thông. Chúng ta cần có chủ trương và các giải pháp vận động mạnh mẽ để “Tái phát triển xe đạp” trong nay mai tập trung vào các khâu sản xuất, tiêu thụ, kiểu dáng, giá cả phù hợp. Vận động học sinh các trường học nên sử dụng xe đạp là phương tiện chủ yếu trong lưu thông hàng ngày.
Hiện nay ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, nạn kẹt xe ùn tắc giao thông đã xảy ra và sẽ dẫn đến ngày càng nghiêm trọng hơn trong tương lai gần. Từ đó vấn đề an toàn giao thông, văn hóa giao thông cũng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó kiểm soát ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân hàng ngày, Chứng kiến vấn nạn giao thông này, ý tưởng “Tái phát triển xe đạp” để tham gia đóng góp cải thiện giao thông đường bộ được thuận lợi, an toàn và  bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu cần được nhận thức và hành động sớm!
                                                                                                
                                                                                                 

Nguyễn Cương 132 Bà Triệu – TP Huế
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.270
Truy cập hiện tại 397