Thực hiện Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2020, ngày 14/6/2013 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015 định hướng đến năm 2020 (KH 77/KH-UBND). Chúng ta đều biết Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học tác động tổn hại đến sức khỏe và môi trường sống. Theo thống kê chưa đầy đủ thì Thừa Thiên Huế có khoảng 15.000 người bị phơi nhiễm bởi chất độc da cam/dioxin (riêng huyện A Lưới có khoảng 5.000 người), trong số đó đã có gần 3.000 người thế hệ thứ nhất và thứ hai được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Pháp lệnh người có công. Hiện nay đã xuất hiện di truyền sang thế hệ thứ 3. Thời gian bán phân hũy của chất dioxin có thể lên đến hàng trăm năm. Tại huyện A Lưới thì sân bay ASo và vùng phụ cận bị ảnh hưởng chất độc dioxin nặng nề nhất, do đó 3 xã Đông Sơn, Hương Lâm, AĐớt đã được di dời định cư để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân cả trước mắt và về lâu dài. Các vùng đất Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Hương Thủy ... cũng đều bị chất độc chiến tranh gây tác hại nặng nề chưa thể lường hết được.
|
Xuất phát từ đặc điểm trên, mục tiêu tổng quát của bản kế hoạch nêu rõ : Giải quyết cơ bản hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và con người trên địa bàn tỉnh ; hình thành khu chứng tích chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cấp Quốc gia tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa về lịch sử, chính trị, nhân đạo sâu sắc, với hiện trường ấn tượng, sinh động nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống, phản đối chiến tranh ... dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Về mục tiêu cụ thể của kế hoạch có những điểm cần lưu ý sau : Sân bay ASo, xã Đông Sơn (huyện A Lưới), khu vực Khe Mạ, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) và các khu vực tồn lưu chất độc chiến tranh CS tại các huyện A Lưới, Hương Trà, Phong Điền và các địa phương khác được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho con người và môi trường ; phát hiện sớm, tư vấn tiền sinh sản, giảm thiểu các di chứng đến con người do chất độc hóa học chiến tranh, xây dựng điểm chứng tích về chất độc hóa học chiến tranh CS tại đồi Xuôi Ngược, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy ; xây dựng cơ sở dữ liệu các điểm bị rải chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh cần được xây dựng khoa học, phục vụ cho công tác quản lý và quá trình đấu tranh yêu cầu khắc phục hậu quả đối với con người, môi trường sống.
Về nhiệm vụ cụ thể, kế hoạch nêu rõ : Đánh giá tổng hợp những thiệt hại về môi trường và con người do chất độc hóa học chiến tranh gây ra trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân với nhiệm vụ trên, quan trắc tồn lưu dioxin trong môi trường (đất, trầm tích, nước, không khí, thực phẩm) tại các vùng bị tác động do chất độc hóa học, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ con người và môi trường, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lý, giảm thiểu mức độ tồn lưu dioxin vượt ngưỡng cho phép, tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo chăm sóc nuôi dưỡng nạn nhân chất độc hóa học ...
Về thời gian thực hiện : Từ năm 2013-2020 và chia làm 2 giai đoạn : Giai đoạn 1 : Từ năm 2013-2015 : xây dựng kế hoạch hành động và thực hiện các dự án/đề án trên. Giai đoạn 2 : Từ năm 2015-2020 : Thực hiện các dự án/đề án còn lại. Cụ thể triển khai như sau :
Nhóm dự án/đề án 1 : Điều tra khảo sát đánh giá mức độ phơi nhiễm và những tác động của chất độc hóa học đối với cuộc sống và sinh kế của người dân địa phương.
Nhóm dự án/đề án 2 : Xây dựng ứng dụng và triển khai chương trình khoa học công nghệ nhằm giải quyết hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn.
Nhóm dự án đề án 3 : Xây dựng khu chứng tích chất độc hóa học tại huyện A Lưới như đã nêu trên.
Về tổ chức thực hiện : Bản kế hoạch nêu rõ : Thành lập tổ công tác cấp tỉnh bao gồm đại diện các sở, ban ngành, địa phương liên quan và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, tiến độ thực hiện, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở LĐTB&XH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Đại học Y Dược Huế ... Các ban ngành chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trước ngày 15/7/2013 và có báo cáo tiến độ thực hiện định kỳ.
Triển khai KH77 là việc làm thiết thực kỷ niệm Ngày vì NNCĐDC Việt Nam 10/8.