Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.270
Truy cập hiện tại 746
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Bà Lê Thị An ở 19 Trần Quang Khải, là công dân Việt Nam đã đăng ký kết hôn với công dân Hàn Quốc tại cơ quan có thẩm quyền ở Hàn Quốc năm 2009, nhưng chưa thực hiện thủ tục ghi chú tại Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế Sau khi kết hôn, bà An ở lại Việt Nam, không muốn chung sống với người chồng nước ngoài đó nữa. Bà An đã gửi đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân tỉnh, nhưng không được Tòa án thụ lý giải quyết, vì bà chưa thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn. Nay bà An muốn đăng ký kết hôn với người Việt Nam cư trú trong nước, vậy phải làm thế nào?
Người gửi: Lê Thị An - 19 Trần Quang Khải (Ngày gửi: 06/08/2014)
Đáp:

Trường hợp bà Lê Thị An đã đăng ký kết hôn với công dân nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài năm 2009, là người đã có chồng. Nay bà vẫn cư trú tại Việt Nam, muốn ly hôn với người chồng nước ngoài ở Tòa án Việt Nam nơi bà cư trú, để sau đó kết hôn với người Việt Nam, thì bà cần phải thực hiện các thủ tục, theo các bước sau:

Bước 1: Thủ tục công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài

Theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số  24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn, công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn.

Sự công nhận việc kết hôn này được ghi vào Sổ đăng ký kết hôn theo thủ tục sau:

Sở  Tư pháp, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam thực hiện ghi vào Sổ đăng ký  kết hôn việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài (gọi tắt là ghi vào sổ việc kết hôn). Trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Sở Tư pháp, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam, thực hiện ghi vào sổ việc kết hôn.

Hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn được lập thành 1 bộ, gồm các giấy tờ sau:

- Tờ  khai ghi vào sổ việc kết hôn (theo mẫu quy định);

- Bản sao giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Theo Điều 3 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các việc hôn nhân và gia đình phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt.

- Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.

- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người có yêu cầu.

Hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn phải do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định nêu trên.

Sau khi thực hiện ghi vào sổ việc kết hôn, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp cho người yêu cầu Giấy xác nhận về việc đã ghi chú vào sổ  các việc hộ tịch (theo mẫu quy định).

Bước 2: Thủ tục ly hôn

Khi đã được Sở Tư pháp cấp Giấy xác nhận về việc đã ghi chú việc kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, công dân Việt Nam có thể làm đơn gửi Tòa án nơi cư trú ở Việt Nam đề nghị giải quyết vụ án ly hôn.

Căn cứ Khoản 1 Điều 27; Điểm a, Khoản 1 Điều 34; Điểm b, Khoản 1 Điều 35 Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Khoản 3 Điều 102; Khoản 1 Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình việc giải quyết vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bước 3: Đăng ký kết hôn với người Việt Nam cư trú trong nước

Sau khi được Tòa án giải quyết ly hôn, người đã ly hôn sống độc thân có quyền kết hôn với người khác, trừ trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình. 

Điều 11 và Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền  thực hiện theo nghi thức quy định. UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn.

Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Tóm lại, trường hợp bà Lê Thị An đã đăng ký kết hôn với công dân nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài vào năm 2009, hiện nay bà là người đang có chồng. Muốn kết hôn với người khác phải ly hôn với chồng. Muốn được Tòa án Việt Nam giải quyết ly hôn, một trong các điều kiện bắt buộc là bà phải được Sở Tư pháp nơi bà cư trú cấp Giấy xác nhận về việc đã ghi chú vào sổ hộ tịch việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.

Sau khi có bản án, quyết định ly hôn bà An có thể kết hôn với người Việt Nam cư trú trong nước như bà mong muốn tại UBND phường, xã của một trong hai bên kết hôn.