Theo Nghị định này, công dân, cán bộ, chiến sỹ Công an có quyền tố cáo với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong Công an nhân dân về hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) của cán bộ, chiến sỹ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự theo quy định.
Trong đó, thẩm quyền giải quyết tố cáo những hành vi VPPL của cán bộ, chiến sỹ Công an trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được quy định cụ thể như sau: Trưởng Công an phường, thị trấn, Trưởng đồn, trạm Công an (gọi chung là cấp phường) giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sỹ thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình, trừ Phó Trưởng Công an cấp phường; Trưởng Công an cấp huyện giải quyết tố cáo đối với Trưởng, Phó Trưởng Công an cấp phường và cán bộ, chiến sỹ giữ chức vụ từ Đội trưởng trở xuống; Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị cấp tương đương thuộc Công an cấp tỉnh và Trưởng, Phó Trưởng Công an cấp huyện…
Thủ trưởng Công an các cấp có trách nhiệm tiếp nhận hoặc phân công cán bộ tiếp nhận tố cáo của công dân, cán bộ, chiến sỹ Công an; bố trí trụ sở hoặc địa điểm, cán bộ tiếp dân để tiếp nhận tố cáo, kiến nghị phản ánh liên quan đến tố cáo.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi VPPL bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công bố công khai kết luận tại cuộc họp cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, chiến sỹ đó công tác; niêm yết tại Trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2013.