Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.270
Truy cập hiện tại 746
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 5/2024
Ngày cập nhật 16/05/2024

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới hơn 1.700 điểm cầu trên cả nước với gần 64.000 đại biểu tham dự. Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an thông tin chuyên đề "Những nội dung quan trọng của Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở và 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV”; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin chuyên đề "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hưởng hiện đại theo tinh thần Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 của Bộ Chinh trị".

Đối với Luật Căn cước, ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật có 7 chương, 46 điều và có 13 nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Để triển khai thi hành Luật Căn cước năm 2023, hiện Bộ Công an đã hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ ban hành Nghị định và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật.

Về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, là luật mới có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cấp cơ sở. Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật theo đúng trình tự thủ tục và được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 28/11/2023. Luật gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Để triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở năm 2023, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, gồm: Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị, đây là kết luận nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Theo đó, quan điểm chung và xuyên suốt nhằm quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Tăng cường công tác quản lý trong khai thác sử dụng công trình. Song song đó, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đồng thời tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách vùng, miền; gắn với tiết kiệm đất canh tác, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Định hướng tuyên truyền và kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền những nội dung các đồng chí báo cáo viên đã thông tin.

Trong đó nhấn mạnh các nội dung sau: Luật Căn cước được ban hành nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được ban hành đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đối với 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tuyên truyền nhấn mạnh: Các dự án luật dựa trên tinh thần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm ANTT, có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị, đề nghị tuyên truyền khẳng định: Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai.

Về một số nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; coi trọng tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn…

Bên cạnh đó, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2024)… Đồng thời tuyên truyền một số nội dung khác như: Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV theo tài liệu chính thức của các cơ quan chức năng; Tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước, nhất là đối với trẻ em dịp hè; phòng, chống thiên tai khi mùa mưa lũ sắp tới…

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày