Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.052.703
Truy cập hiện tại 1.302
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
Những chính sách có hiệu từ tháng 4 năm 2013
Ngày cập nhật 29/04/2013

          Hỗ trợ ăn trưa 120.000 đồng/tháng cho trẻ mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn; Kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh phải đặt cọc 5 tỷ đồng; quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân; Được nâng lương trước thời hạn cho 10% số cán bộ, công chức/năm; CSGT không được dừng xe để kiểm tra Chính phủ; Tăng phí sát hạch lái xe ô tô lên 450.000 đồng; Cán bộ y tế phải luân phiên xuống tuyến dưới tối thiểu 06 tháng; Bỏ quy định cấm phát tán thông tin vi phạm quy chế thi cử; Tăng trợ cấp lần đầu cho giáo viên công tác vùng đặc biệt khó khăn; Bảo hành công trình xây dựng tối thiểu 12 tháng; Không sử dụng cụm từ "Công ty" để đặt tên hộ kinh doanh; Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bị mua bán; Hộ cận nghèo được ưu đãi lãi suất cho vay; Cấm quản cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Tăng lệ phí tuyển sinh Cao đẳng, Đại học... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 3 năm 2013.

Hỗ trợ ăn trưa 120.000 đồng/tháng cho trẻ mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn

Ngày 11/03/2013, Liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Bộ Nội vụ đã ký Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV của về việc hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011.

Theo Thông tư này, các đối tượng trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo các quy định hiện hành; hoặc có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo; hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế sẽ được hỗ trợ ăn trưa 120.000 đồng/tháng/trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 cũng được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/trẻ. Trẻ mẫu giáo dân tộc ít người từ 3 - 5 tuổi thuộc hộ nghèo được hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/tháng/trẻ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/11/2012.

Nguyên tắc hỗ trợ cho các đối tượng trên là: Mỗi trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ tối đa trong 3 năm học; năm học được hưởng là năm học mà trẻ đạt đến 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi theo giấy khai sinh. Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được cấp cho cơ sở giáo dục mầm non hoặc trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ theo số tháng thực học, tối đa 9 tháng/năm học và thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả đủ 04 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 chi trả đủ 05 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/04/2013 và thay thế Thông tư số 05/2003/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 24/02/2003.

Kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh phải đặt cọc 5 tỷ đồng

Ngày 18/02/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BCT quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa.

Thông tư quy định cụ thể về điều kiện hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa. Cụ thể, kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải đáp ứng đủ các điều kiện như sau: Được thành lập tổi thiểu là 02 năm và đã có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa; có số tiền ký quỹ đặt cọc là 5 tỷ đồng; có kho, bãi phục vụ việc kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Tương tự, kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt và kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cũng, phải đáp ứng yêu cầu được thành lập tối thiểu 02 năm, đã có hoạt động xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa và có số tiền ký quỹ đặt cọc là 5 tỷ đồng, tuy nhiên không cần có kho, bãi phục vụ việc kinh doanh.

Ngoài ra, Thông tư yêu cầu không được chia nhỏ công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định. Các hàng hóa tạm nhập tái xuất được quy định tại Thông tư này cũng không được chuyển sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/04/2013, bãi bỏ các Thông tư số 33/2010/TT-BCT ngày 11/09/2010; Thông tư số 21/2011/TT-BCT ngày 20/05/2011; Quyết định số 5737/QĐ-BCT ngày 28/09/2012.

Quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân.

Ngày 21/02/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2013/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân.

Theo Nghị định này, các tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với lực lượng Công an nhân dân đều được nâng cao, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Cụ thể, về tiêu chuẩn trang phục, hạ sỹ quan, chiến sỹ, học viên công an sẽ được cấp 01 bộ quần áo thu đông/năm, 03 bít tất/năm... (thay vì 02 bộ quần áo thu đông/03 năm, 02 bít tất/năm... như trước); sỹ quan công an cũng được cấp thêm 01 áo khoác/05 năm, 01 áo giao mùa/02 năm...

Về tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hóa chất sử dụng trong y tế công an, định mức dùng tại đơn vị đối với cán bộ cao cấp là 600.000 đồng/người/năm; cán bộ trung cấp là 480.000/người/năm; cán bộ sơ cấp là 360.000 đồng/người/năm (so với mức trước đây là 132.000 đồng/người/năm đối với đơn vị vùng cao, vùng sâu, hải đảo; 96.000 đồng/người/năm với đơn vị đồng bằng và trung du). Định mức cho giường bệnh cũng tăng, nằm trong khoảng từ 550.000 - 50.000.000 đồng/năm đối với giường nghỉ dưỡng, điều dưỡng đến giường bệnh viện hạng I (trong khi với quy định trước đây, định mức tiêu chuẩn chỉ trong khoảng từ 350.000 - 12.000.000 đồng/năm)...

Ngoài ra, các định mức, tiêu chuẩn khác về chế độ ăn, trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng; nhu yếu phẩm; diện tích làm việc, nhà ở công vụ... cũng được điều chỉnh đồng loạt. Cụ thể: Bỏ tiêu chuẩn nhà công vụ đối với lãnh đạo cấp phòng, Công an quận, huyện và tương đương cán bộ có cấp hàm Trung tá, Thượng tá trở xuống; đồng thời, tiêu chuẩn diện tích ở tập thể doanh trại cũng chỉ được áp dụng với sỹ quan cấp úy trở xuống...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2013 và thay thế Nghị định số 25/2006/NĐ-CP ngày 10/03/2006.

Được nâng lương trước thời hạn cho 10% số cán bộ, công chức/năm

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định số 17/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành ngày 19/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định. Các cơ quan, đơn vị được phép nâng lương tối đa cho 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị mình (theo quy định cũ chỉ được tối đa 5%).

Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định tăng đồng loạt hệ số lương của 04 bậc quân hàm cấp tướng (Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng) lên lần lượt là 11,00; 10,40; 9,80; 9,20 (quy định cũ lần lượt là 10.40; 9.80; 9.20; 8.60). Thời hạn nâng lương của các bậc quân hàm cấp tướng này là 04 năm.

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung thêm 90 ngạch công chức và chức danh viên chức; trong đó, bổ sung 05 đối tượng vào ngạch công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1); 06 đối tượng vào ngạch công chức loại A2.1; 08 đối tượng vào ngạch công chức loại A1; 07 đối tượng vào ngạch công chức loại B và bổ sung "Nhân viên bảo vệ kho dự trữ" vào ngạch công chức loại C...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/04/2013.

CSGT không được dừng xe để kiểm tra xe chính chủ

Đây là hướng dẫn của Bộ Công an tại Thông tư số 11/2013/TT-BCA ngày 01/03/2013 về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/10/2010 và Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/09/2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tại Thông tư này, Bộ Công an quy định không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi "Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định"; mà chỉ có thể thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự. Trường hợp phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh, xác định rõ và xử phạt các trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng chỉ rõ tại thời điểm kiểm soát mà người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy không xuất trình được Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Chứng chỉ điều khiển và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì sẽ bị cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện theo quy định.

Ngoài ra, đối với hành vi người điều khiển ô tô chở người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện, Bộ Công an cũng quy định số người được phép chở quá đối với từng loại xe mà không bị xử phạt. Cụ thể: Xe đến 09 chỗ ngồi được phép chở quá 01 người; xe từ 10 - 15 chỗ được chở quá 02 người; xe từ 16 - 30 chỗ được phép chở quá 03 người và trên 30 chỗ được chở quá 04 người...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013.

Tăng phí sát hạch lái xe ô tô lên 450.000 đồng

Ngày 27/02/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

Theo đó, kể từ ngày 15/04/2013, Bộ Tài chính quyết định nâng mức thu phí áp dụng trên cả nước đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng B1, B2, C, D, E, F) từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng; trong đó, sát hạch lý thuyết là 90.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần (trong khi quy định cũ lần lượt là 70.000 - 230.000 - 50.000 đồng/lần). Mức thu phí đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng A1, A2, A3, A4) cũng tăng từ 70.000 đồng lên 90.000 đồng; trong đó, sát hạch lý thuyết là 40.000 đồng/lần; sát hạch thực hành là 50.000 đồng/lần.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng quy định phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước, các cơ quan thu phí được trích lại một phần để trang trải chi phí cho việc tổ chức sát hạch và thu phí. Trong đó, những cơ quan thu phí có số thu từ phí sát hạch năm trước dưới 15 tỷ đồng/năm được trích lại 20% trên tổng số tiền phí sát hạch thực thu được; trên 15 tỷ đồng/năm thì được trích lại 15% trên tổng số tiền phí sát hạch thực thu. Số tiền được trích lại cho cơ quan thu phí để chi trả các khoản tiền lương, tiền công, phụ cấp của người lao động; chi phí trực tiếp phục vụ cho sát hạch cấp giấy phép lái xe và thu phí…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013 và thay thế các Thông tư số 53/2007/TT-BTC ngày 21/05/2007; Thông tư số 60/2010/TT-BTC ngày 20/04/2010.

Cán bộ y tế phải luân phiên xuống tuyến dưới tối thiểu 06 tháng

Ngày 20/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từ tuyến Trung ương xuống tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, tuyến huyện xuống tuyến xã, từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Theo Quyết định này, bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên làm việc trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập (sau đây gọi là người hành nghề) sẽ thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 06 tháng (từ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn). Người hành nghề có thể được cử đi luân phiên theo nhiều đợt và ở nhiều nơi theo yêu cầu của tuyến dưới. Mỗi đợt đi luân phiên không quá 60 ngày, thời gian các đợt sẽ được cộng dồn để tính tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên.

Người hành nghề thực hiện chế độ luân phiên ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp hiện thời còn được hưởng những chế độ đặc thù khác như: Trợ cấp hàng tháng bằng 50% mức lương hiện thời cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); thù lao biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tập huấn… Bên cạnh đó, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên, người hành nghề còn được ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn, thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện…

Quyết định cũng chỉ rõ những đối tượng được miễn thực hiện chế độ luân phiên, bao gồm: người hành nghề là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam nuôi con nhỏ một mình dưới 36 tháng tuổi; người hành nghề đã có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên; người hành nghề có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013.

Bỏ quy định cấm phát tán thông tin vi phạm quy chế thi cử

Ngày 01/03/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 06/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 06/03/2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 04/2013/TT-BGDĐT ngày 21/02/2013.

Tại Thông tư này, Bộ GDĐT quy định người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi tốt nghiệp THPT phải báo ngay cho nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng gồm: Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương; Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh hoặc Thanh tra giáo dục các cấp; đồng thời quy định việc tiếp nhận và xử lý các tố cáo vi phạm vi phạm Quy chế thi được thực hiện theo pháp luật về tố cáo; bãi bỏ quy định cấm phát tán thông tin vi phạm Quy chế thi cho người khác.

Trước đó, tại Thông tư số 04/2013/TT-BGDĐT ngày 21/02/2013, Bộ GDĐT được cho là đã vi phạm quy định pháp luật tố cáo khi quy định sẽ hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 - 2 năm nếu người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013.

Tăng trợ cấp lần đầu cho giáo viên công tác vùng đặc biệt khó khăn

Ngày 23/02/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/06/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nghị định chỉ rõ, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi được luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển (thay vì được hưởng mức trợ cấp cụ thể là 4 triệu đồng như trước đây). UBND cấp huyện của địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết trợ cấp lần đầu và chỗ ở cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chuyển đến địa phương.

Cũng theo Nghị định này, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên đi cùng và được hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ (theo quy định trước đây, mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng).

Ngoài ra, kể từ ngày 15/04/2013, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định, nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển thì sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng, nhưng không được hưởng các phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013 và bãi bỏ đối với Khoản 2 Điều 2, Khoản 3 Điều 9; Điều 10 của Nghị định 61/2006/NĐ-CP.

Bảo hành công trình xây dựng tối thiểu 12 tháng

Đây là yêu cầu của Chính phủ đối với các nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Theo đó, các nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị. Thời hạn bảo hành công trình kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng hoặc căn cứ vào hợp đồng nhưng không được ít hơn 24 tháng đối với công trình đặc biệt cấp I, không ít hơn 12 tháng đối với công trình cấp còn lại.

Riêng đối với nhà ở vẫn được thực hiện theo Điều 74 Luật Nhà ở số 56/2005/QH11, cụ thể: tối thiểu 60 tháng đối với nhà chung cư từ 09 tầng trở lên và các loại nhà ở khác được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước; tối thiểu 36 tháng đối với nhà chung cư từ 04 - 08 tầng; tối thiểu 24 tháng đối với loại nhà ở khác.

Ngoài ra, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về phân loại, báo cáo và giải quyết sự cố, cụ thể: Các loại sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng được chia thành 04 cấp theo mức độ thiệt hại về người và vật chất, bao gồm: Cấp đặc biệt nghiêm trọng, cấp I, cấp II và cấp III. Ngay sau khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư phải báo cáo tóm tắt về sự cố cho UBND cấp xã và có văn bản báo cáo UBND các cấp trong vòng 24 giờ; đồng thời tiến hành các giải pháp phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng thi công công trình và chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013 và thay thế các Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/04/2008.

Không sử dụng cụm từ "Công ty" để đặt tên hộ kinh doanh

Đây là một trong những nội dung nổi bật của Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 21/02/2013 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.Tên hộ kinh doanh chỉ được nằm trong Danh mục chữ cái theo quy định.

Ngoài ra, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp phải lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp... Nếu doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành nghề kinh tế cấp bốn thì vẫn phải lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn.

Cũng theo Thông tư này, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống trong quản lý trong phạm vi toàn quốc về đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu định kỳ hàng quý, hàng năm, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với dữ liệu thực tế của địa phương để chuyển đổi bổ sung dữ liệu còn thiếu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, dựa trên cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp tại địa phương và dữ liệu hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013 và thay thế Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 04/06/2010.

Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bị mua bán

Ngày 11/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người.

Tại Nghị định này, Chính phủ quy định chi tiết các chế độ hỗ trợ, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán. Trong đó, chế độ hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu được áp dụng đối với nạn nhân bị mua bán ở Việt Nam và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân bao gồm: Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, thời gian hỗ trợ tối đa từ ngân sách Nhà nước không quá 60 ngày; hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết; hỗ trợ chi phí đi lại nếu nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả các chi phí...

Bên cạnh đó, trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ, các nạn nhân còn được hỗ trợ y tế gồm chi phí khám, chữa bệnh; hỗ trợ tâm lý gồm tư vấn, tham vấn tâm lý cho nạn nhân và thực hiện các liệu pháp trị liệu nhóm...

Đối với các nạn nhân đã trở về nơi cư trú, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại; trợ giúp làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người; đồng thời, nạn nhân còn được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, hỗ trợ vay vốn nếu có yêu cầu và đáp ứng các điều kiện theo quy định...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013.

Hộ cận nghèo được ưu đãi lãi suất cho vay

Đây là nội dung đáng chú ý của Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/02/2013.

Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, từ ngày 16/04/2013, hộ cận nghèo sẽ được ưu đãi lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ cận nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo; rủi ro đối với các khoản nợ của hộ cận nghèo được thực hiện theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/04/2013.

Cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại chưa thi công

Ngày 08/03/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm ở xã hội hoặc công trình dịch vụ.

Theo quy định tại Thông tư này, việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ chỉ được tiến hành với những dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa triển khai thi công xây dựng hoặc được triển khai thi công nhưng cơ cấu căn hộ hoặc mục đích sử dụng nhà ở thương mại không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, việc điều chỉnh này cũng chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng; trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.

Riêng các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy mô từ 500 căn hộ trở lên thì trước khi UBND cấp tỉnh ra quyết định cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Khi thực hiện chuyển đổi, các dự án đã nộp tiền sử dụng đất sẽ được Nhà nước hoàn trả lại số tiền đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước trên cơ sở tính toán lại tiền sử dụng đất của dự án sau khi điều chỉnh.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/04/2013 đến hết ngày 31/12/2014.

Chỉ thanh toán lương dạy thêm ở đơn vị thiếu giáo viên

Đây là một trong các nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm được Liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ - Tài chính tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/03/2013 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, Liên bộ quy định chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng giáo viên do cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trường hợp khi có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra mà phải bố trí giáo viên khác dạy thay.

Liên bộ cũng quy định định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ... được gọi chung là định mức giờ dạy/năm. Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ không được quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư này, tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Trong đó, tiền lương 01 giờ dạy thêm bằng 150% lần tiền lương 01 giờ dạy thông thường.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/04/2013 và thay thế Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 09/09/2008.

Tăng lệ phí tuyển sinh Cao đẳng, Đại học

Ngày 08/03/2013, Liên bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo đã ký Thông tư liên tịch số 25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 11/02/2010 quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp.

Theo đó, Liên bộ quyết định tăng đồng loạt mức thu phí dự thi, dự tuyển các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục - đào tạo (GDĐT) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể: mức phí đối với thí sinh thuộc diện xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là 30.000 đồng/hồ sơ (quy định cũ đối với ĐH, CĐ là 15.000 đồng/hồ sơ); phí đăng ký dự thi là 60.000 đồng/hồ sơ (tăng 10.000 đồng so với trước đây); phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu là 120.000 đồng/hồ sơ (tăng 20.000 đồng so với trước đây); phí dự thi văn hóa là 45.000 đồng/hồ sơ (tăng 15.000 đồng); dự thi năng khiếu là 300.000 đồng/hồ sơ (tăng 100.000 đồng)...

Ngoài ra, việc phân phối số tiền phí đăng ký dự thi, dự tuyển cũng được điều chỉnh, cụ thể như sau: Đối với số tiền do các Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp thu được trích nộp cho Bộ GDĐT với mức 6.000 đồng/hồ sơ đăng ký dự thi; 4.000 đồng/hồ sơ đăng ký xét tuyển; trích lại cho Sở GDĐT 7.000 đồng/hồ sơ dự thi; 6.500 đồng/hồ sơ xét tuyển; số tiền còn lại chuyển cho cơ sở nơi thí sinh đăng ký...; với số tiền do cơ sở GDĐT trực tiếp thu cũng phải trích nộp cho Bộ GDĐT với mức tương tự...

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2013 và áp dụng cho các kỳ tuyển sinh từ năm 2013.

Cấm quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Đây là nội dung được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13/03/2013 hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Tại Thông tư này, Bộ Y tế nghiêm cấm các hành vi quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng; thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố quy chuẩn; hay quảng cáo dưới hình thức bằng bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh... Theo đó, đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, nội dung quảng cáo trên các phương tiện đại chúng, tờ rơi, poster phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”...

Đồng thời, Bộ cũng quy định phải đăng ký nội dung khi tiến hành quảng cáo các loại thực phẩm như: Thực phẩm chức năng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên; nước khoáng đóng chai; phụ gia thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói chứa thực phẩm...

Cục An toàn thực phẩm chịu trách nhiệm tổ chức việc cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các loại thực phẩm chức năng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm cho các sản phẩm như nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/04/2013.

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày