Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.052.137
Truy cập hiện tại 1.168
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
Những điều người nhiễm HIV và người nhà cần biết
Ngày cập nhật 28/11/2013

 

Y học và thực tế chứng minh, quá trình từ khi nhiễm HIV đến chuyển sang giai đoạn AIDS có khi từ 5-7 năm, có thể kéo dài đến 15-20 năm, thậm chí là dài hơn tuỳ thuộc vào hành vi, cuộc sống tinh thần và vật chất của người nhiễm. Nếu người nhiễm tiếp tục không thực hiện các hành vi an toàn như QHTD không được bảo vệ, dùng chung bơm kim tiêm thì họ có thể truyền HIV sang cho người khác, hoặc có thể nhiễm thêm HIV từ người khác và dễ mắc các nhiễm trùng cơ hội. Điều này làm cho HIV trong cơ thể phát triển nhanh và nhiều hơn, là cơ hội làm cho sự suy giảm miễn dịch cơ thể đến sớm hơn, đồng nghĩa với cuộc đời của người nhiễm sẽ sớm kết thúc. Sự gia tăng đáng kể về tuổi thọ của người nhiễm HIV là nhờ vào sự tiến bộ của nền y học đã điều chế các thuốc ARV hỗn hợp, có khả năng khống chế sự gia tăng của HIV. Như vậy, trong vòng từ 3-6 tháng kể từ khi có yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV cần phải đi xét nghiệm máu để phát hiện sớm tình trạng huyết thanh để được điều trị đúng thời điểm, đúng thuốc, uống đủ liều kèm với lối sống lành mạnh thì việc kéo dài tuổi thọ là có cơ sở khoa học.

 

Khi phát hiện có HIV tinh thần bạn sẽ khủng hoảng, đừng vì thế mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn vì nó sẽ kéo theo một loạt ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. Trước hết, người nhiễm phải cố vượt qua mọi bi quan, buồn chán, sự mặc cảm, đừng quá hoang mang lo sợ, quá căng thẳng. Tìm ngay đến các chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ về tâm lý, tìm hiểu cụ thể kiến thức về HIV/AIDS để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình và phòng lây nhiễm cho người khác. Nếu nghiện ma túy thì phải cai sớm, lao động vừa sức, nghỉ ngơi, thể dục hợp lý, hạn chế các tai nạn thương tích trong quá trình làm việc, sinh hoạt tình dục an toàn. Điều trị dứt điểm các bệnh mới phát, kiểm tra đờm và phổi để phát hiện lao. Nên tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục viên đồng đẳng, tuyên truyền viên, sinh hoạt câu lạc bộ để tìm niềm vui và ý nghĩa cuộc sống.
Người nhiễm phải tuân thủ các quy tắc ăn uống hợp vệ sinh, chú ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, an toàn. Thực đơn trong ngày phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính như: tinh bột, chất đạm, chất béo, đậu đỗ, rau củ quả. Tăng cường các chất giàu đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại rau củ quả có chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn như rau sống, gỏi sống, nem, tiết canh, thịt tái, mắm ruốc, thức ăn để quá 6 giờ, thức ăn hết hạn sử dụng vì các loại thức ăn này dễ làm rối loạn tiêu hóa. Không ăn các thức ăn có thể gây dị ứng, không ăn quá nhiều ớt, hạt tiêu. Ăn càng nhiều bữa càng tốt, có thể ăn 5-6 lần/ngày. Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài, cần sử dụng thức ăn lỏng mềm, nghiền nát, uống nhiều nước, có thể uống thêm một viên đa sinh tố mỗi ngày. Việc uống nhiều rượu, bia sẽ không tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là rượu. Rượu sẽ làm ảnh hưởng tới gan, thần kinh dễ gây ung thư gan, viêm gan B... Bên cạnh đó, rượu gây hưng phấn làm cho bạn dễ dàng có những hành vi tình dục không an toàn, đây chính là nguyên nhân lây truyền HIV cho vợ hoặc bạn tình của bạn. Nếu có quan hệ tình dục, luôn nhớ sử dụng bao cao su đúng phương pháp. Không nên hút thuốc lào, thuốc lá, bởi nó rất có hại cho phổi và sẽ làm cho các bệnh về đường hô hấp dễ dàng tấn công hơn. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có ý kiến của thầy thuốc. Thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định sau khi thăm khám tổng quát, làm các xét nghiệm cần thiết và đánh giá quá trình diễn biến của bệnh. Phải tuân thủ điều trị ARV một cách tuyệt đối, uống đúng giờ giấc, đúng liều lượng. Thông báo cho bác sĩ điều trị biết tiền sử dị ứng thuốc của bạn. Không dùng thuốc bừa bãi, tốt nhất là theo lời khuyên, hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Sau khi uống thuốc nếu có các biểu hiện bất thường phải dừng ngay và báo với bác sỹ điều trị để được điều chỉnh lại. Nên dùng riêng một số đồ dùng cá nhân có thể dính các dịch sinh học hoặc máu của bạn như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo, nạo lưỡi, đồ làm móng tay, bơm kim tiêm, hay các dụng cụ xuyên chính qua da có gây chảy máu...
Đối với người nhà, trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân AIDS, cần chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
- Khi máu và dịch sinh học của người bệnh rơi vãi ra ngoài. cần mang găng tay dùng khăn vải hút nước thấm sạch, sau đó lau lại bằng dung dịch Cloramin B 0,5% (20 gram Cloramin B 25% (khoảng 5 muỗng café pha với 1 lít nước) hoặc nước Javen 5% (cách pha 1 phần Javel với 9 phần nước) hoặc dùng cồn 70 độ, rồi lau lại bằng nước xà phòng. Chú ý dung dịch Cloramin B hoặc nước Javel chỉ pha đủ dùng và phải sử dụng ngay sau khi pha. Các loại dung dịch này phải bảo quản nơi khô mát, tránh ánh sáng và để xa tầm tay trẻ em.
- Nên mang găng tay cao su khi giặt đồ có dính máu mủ, hay chăm sóc vết thương cho bệnh nhân AIDS. Nếu trên da có trực tiếp dính máu hay dịch tiết của bệnh nhân thì rửa sạch ngay bằng nước xà phòng, sau đó dùng cồn 70 độ sát trùng lại.
- Nếu trên tay có vết thương hở bị dính máu hoặc bị những vật sắc nhọn của bệnh nhân như kim tiêm, dao cạo... làm bị thương, thì nhẹ nhàng nặn ngay máu ra, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sát trùng bằng cồn 70 độ. Sau đó, phải đến ngay các cơ sở điều trị để được tư vấn hướng dẫn điều trị dự phòng do phơi nhiễm.
Theo NGUYỄN CHÍ HÙNG (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày