Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.052.542
Truy cập hiện tại 1.270
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
Phát triển xanh và bền vững, nhìn từ đô thị Huế
Ngày cập nhật 04/04/2014

          Năm năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã chung lưng, đấu cật để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả hết sức quan trọng, mang tính toàn diện.

            Những kết quả hết sức quan trọng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ; du lịch - dịch vụ chiếm gần 54% trong GDP; công nghiệp chiếm 36%; nông nghiệp chỉ còn trên 10% trong GDP. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 đứng thứ hai toàn quốc. GDP bình quân đầu người đạt trên 1.700 USD. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân hằng năm đạt gần 5.000 tỷ đồng. Du lịch, dịch vụ phát triển nhanh, lượng khách đến Huế đạt trên 2,4 triệu lượt người mỗi năm.

Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại được nâng cấp, xây mới; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, khu công nghiệp Phú Bài thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhất là dự án Laguna vừa mới hoàn thành giai đoạn I (200 triệu USD) đưa vào khai thác, sử dụng.

Công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị thường xuyên được quan tâm, tạo ra diện mạo đô thị và nông thôn ngày nay khang trang, sạch đẹp, được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao. Toàn tỉnh có một đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Đã tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển và phát huy trung tâm văn hóa - du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ, góp phần phát triển du lịch - dịch vụ và kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6,5%. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện.

Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế chọn xây dựng và phát triển đô thị Huế theo mô hình “Thành phố di sản, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và thân thiện với môi trường” là hướng đi đúng đắn; là con đường “phát triển xanh; phát triển bền vững” - Thông điệp mà Liên Hiệp quốc đang khuyến nghị với các quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Phát huy lợi thế so sánh và tính đặc thù

Theo chúng tôi, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục phát huy lợi thế so sánh và tính đặc thù để xây dựng và phát triển đô thị Huế trong tương lai. Để xây dựng đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương, không nhất thiết phải xây nhiều nhà cao tầng, nhiều chung cư san sát nhau, có cư dân thành thị đông đúc và nhiều nhà máy.

Quá trình đô thị hoá ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho chúng ta bài học nhãn tiền về ô nhiễm môi trường sống, nhất là ô nhiêm môi trường và khói; bụi trong không khí. Lịch sử hình thành đô thị Huế có tính đặc thù riêng; Huế cần phát triển đô thị theo mô hình “Đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh”. Theo hướng đó, cần đẩy nhanh tiến độ hình thành cụm đô thị động lực: thành phố Huế (đô thị hạt nhân) - thị xã Hương Trà - thị xã Hương Thủy - thị xã Thuận An và chùm đô thị vệ tinh: đô thị Chân Mây - Lăng Cô, Phú Đa, Bình Điền, Phong Điền, Sịa, Nam Đông, A Lưới. Kết nối giữa các đô thị là hệ thống giao thông, cảnh quan thiên nhiên và cây xanh. Đó là mô hình thành phố vườn, có môi trường thân thiện; xã hội hài hoà; văn hoá phong phú; nhân dân hạnh phúc.

Hơn nữa, Huế là vùng đất có hai di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới; nhiều loại hình nghệ thuật Cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Huế; các loại hình ca Huế, hò Huế cùng với văn hoá ẩm thực Huế, kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế và nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế. Huế còn nhiều di sản văn hoá, di tích lịch sử và cách mạng; trong đó có di tích ghi lại Bác Hồ và gia đình sinh sống tại Huế; có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã nhận định: “Thiên nhiên Huế, cảnh vật Huế, con người Huế, tiếng nói Huế, phong cách Huế, tất cả đã tạo nên một bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Huế độc dáo, hiếm vùng đất nào có được”. Những nét văn hóa lịch sử độc đáo ấy sẽ tạo cho Thừa Thiên Huế lợi thế so sánh để phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ; trên cơ sở đó phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa để nâng cao vị thế của Huế trong nước và quốc tế.

Thừa Thiên Huế còn có thế mạnh khác mà nhiều nơi khác không có, đó là giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu. Với truyền thống của Đại học Huế gần 60 năm xây dựng và phát triển, có môi trường học đường thân thiện, có Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế - hai đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, với đội ngũ thầy thuốc giỏi; nơi đào tạo hai người thầy quan trọng: “Thầy thuốc” và “Thầy giáo” không chỉ cho tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn cho nhiều địa phương khác trên toàn quốc, kể cả đi làm việc ở nước ngoài. Huế có đủ điều kiện để phát triển dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế gắn với phát triển du lịch.

Địa thế Thừa Thiên Huế nói riêng, miền Trung nói chung không cho phép đầu tư công nghiệp nặng. Trong khi Huế có đội ngũ trí thức đứng thứ ba trong cả nước (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh); con người Huế vốn thông minh, cần cù và sáng tạo; vì vậy, Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu để phát triển công nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Ngoài ra, Huế là thành phố duy nhất của Việt Nam được Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Qua 7 lần tổ chức Festival và đang chuẩn bị để tổ chức Festival lần thứ 8; Huế đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước; góp phần quảng bá và nâng cao vị thế văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế trên trường quốc tế; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hoá của Việt Nam. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, đầu tư, nâng cao chất lượng các kỳ Festival, biến các sản phẩm của Festival trở thành món ăn hàng ngày cho du khách để phát triển du lịch - dịch vụ.

Với cách làm và bước đi khoa học, thận trọng nhưng khẩn trương, chúng ta tin tưởng rằng Thừa Thiên Huế sẽ chuyển thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Theo baothuathienhue.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày