Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.672
Truy cập hiện tại 1.000
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
VIÊM NÃO NHẬT BẢN B - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Ngày cập nhật 21/08/2014

  Thời gian gần đây, viêm não Nhật Bản B xuất hiện với tỉ lệ khá cao, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và một số nơi ở Hà Nội, gây tâm lí lo ngại trong nhân dân vì bệnh có thể để lại di chứng thần kinh nặng.
 

   Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đa số là 1-5 tuổi, nhưng người lớn cũng có thể mắc. Bệnh có thể bùng phát lây lan thành dịch vào mùa hè và mùa mưa nếu không có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Nguyên nhân gây bệnh:

   Viêm não Nhật Bản B do virus Arbo gây ra. Môi giới truyền bệnh là muỗi Culex
(Culex Tritaeniorhyncus), loài muỗi này sinh sản mạnh nhất là vào mùa hè, mùa mưa. Muỗi Culex hút máu các loài chim, động vật nhiễm siêu vi rồi chích đốt truyền bệnh sang người. Virus Arbo có ái lực mạnh với tế bào thần kinh TW (não bộ) và gây các biến chứng nặng nề rất khó hồi phục.
Các dấu hiệu bệnh:

   Thời gian ủ bệnh của viêm não Nhật Bản B thường ngắn kéo dài 5-7 ngày, sau đó là giai đoạn khởi phát bệnh.

    Bắt đầu thường là triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, nghẹt mũi, viêm họng, ho khan,… Sau đó bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39-40 độ, đau nhức đầu nhiều nhất là ở vùng trán, có thể kèm theo những dấu chứng đặc hiệu như buồn nôn, nôn, nôn vọt không lệ thuộc vào bữa ăn, nôn bất kì lúc nào. Trẻ có biểu hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ và có thể xuất hiện mất ý thức (giảm trí nhớ, lú lẫn,…). Đó là những biểu hiện thần kinh TW bị tổn thương do bệnh.
    Tiếp theo là thời kì toàn phát, tăng mạnh các dấu chứng thần kinh như cuồng sảng, ảo giác hoặc bị kích thích mạnh (kích động), tăng trương lực cơ làm cho trẻ phải nằm trong tư thế co quắp (kiểu cọ súng), có thể xuất hiện triệu chứng co giật hoặc tê bại chân tay rồi liệt cứng toàn thân và dần dần đi vào hôn mê. Kèm theo các biểu hiện của thần kinh thực vật như ra mồ hôi, rối loạn vận mạch (da lúc đỏ, lúc tái), rối loạn nhịp thở  và tăng tiết dịch ở phổi.
     Sau đó các triệu chứng trên giảm dần. Ở thời kì này nếu qua khỏi, bệnh nhân may mắn sẽ hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp có thể để lại di chứng nặng nề như liệt cứng toàn thân, lệt mặt, rối loạn tinh thần, động kinh, chậm phát triển trí tuệ,… Bệnh viêm não Nhật Bản B có tỉ lệ tử vong khá cao từ 20%-80%.
Cách xử trí:
     Cần đưa trẻ kịp thời đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện nghi ngờ (sốt cao, nôn vọt, co giật, cứng cơ,…)
     Bệnh viêm não Nhật Bản B hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu cấp cứu giải quyết triệu chứng suy hô hấp, hút đờm dãi, hỗ trợ tim mạch, chống nhiễm khuẩn, bù nước điện giải do nôn,..
     Giải quyết điểu trị di chứng muộn về mặt tâm thần, phục hồi chức năng do liệt.
Các biện pháp phòng bệnh:
      Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về tác hại của bệnh, mắc bệnh là do muỗi truyền, là một bệnh nặng nguy hiểm.
       Phổ biến các biện pháp diệt bọ gậy thông thường. Cảnh giác với các loại chim, chim cảnh, chuồng gia súc xa nhà và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, vệ sinh cống rãnh, lấp ao tù nước đọng, lưu ý chum vại, lọ hoa,…
       Ngủ phải nằm màn cả ban ngày và ban đêm để chống muỗi đốt.
       Tiêm vaccin phòng viêm não Nhật Bản B có ý nghĩa cần thiết và quan trọng để tạo miễn dịch cho trẻ. Đây là loại vaccin sản xuất trong nước. Hai mũi đầu tiên cách nhau 1-2 tuần, mũi thứ 3 cách mũi thứ nhât 1 năm. Sau đó cứ 4 năm chích nhắc lại một lần sẽ tạo được miễn dịch. Hiện nay chúng ta đang triển khai tiêm phòng vaccin ở các địa phương đang có dịch bệnh xảy ra để ngăn ngừa dịch có thể lan rộng.

                                                                                        
    
 

Nguyễn Cương - Chi bộ 4
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày