Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.663
Truy cập hiện tại 1.002
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
Phục vụ cho lợi ích của dân
Ngày cập nhật 01/11/2014

Từ nguồn thu phí đường bộ, TP Huế đã triển khai xây dựng nhiều đường kiệt, góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, giúp giao thông đi lại dễ dàng. Song, để đạt chỉ tiêu thu phí hàng năm, cần có chế tài cụ thể.

 
Thiếu chế tài
Mục đích của việc thu phí giao thông đường bộ nhằm tự chủ nguồn kinh phí để đầu tư các tuyến đường giao thông, phục vụ việc đi lại của người dân được thuận tiện. Song, khi triển khai thực tế, các phường rất vất vả trong việc thu. “Để đạt chỉ tiêu thôi đã khó, nói chi đến vượt, bởi có quá nhiều phát sinh, rào cản, mà nguyên nhân chính là do thiếu chế tài, một quy định trong xử phạt. Khi tổ chức thu, phường triển khai về các tổ dân phố, tổ trưởng dân phố đến từng nhà dân để thu, nhưng có người nộp, người không. Phường cũng không thể làm gì họ vì không có cơ sở, căn cứ để xử lý”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND phường Phú Hội phân trần. Đây cũng là lý do nguồn thu phí đường bộ đến thời điểm này của phường Phú Hội chỉ bằng 41% so với năm ngoái, tương đương khoảng 143 triệu đồng.

Một nguyên nhân khác khiến việc thu phí đường bộ theo một người dân là do chưa rõ nguồn thu phí giao thông sử dụng như thế nào. Theo người này, các phường nên công khai kinh phí thu được từ nguồn thu phí giao thông được sử dụng vào mục đích gì? Nếu người dân nắm rõ các thông tin, nguồn phí được sử dụng đúng mục đích chắc chắn họ sẽ tự nguyện nộp.
Phòng Quản lý đô thị TP Huế ước lượng, dù chưa có số liệu chính thức, nhưng năm nay, nguồn thu phí bảo trì đường bộ sẽ giảm nhiều hơn so với năm 2013. Bởi con số thu được đang tạm dừng ở số hàng trăm triệu đồng, trong khi năm 2013, toàn TP thu được hơn 5 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Huế - Ngô Anh Tuấn cho rằng, trong lúc chờ văn bản chính thức của cấp trên về việc xử phạt với hành vi không nộp phí giao thông đường bộ, các phường có cách làm khá hay để thu phí hiệu quả là đưa vào chỉ tiêu xét gia đình văn hóa, hoặc các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân... Nếu gia đình nào không chấp hành tốt việc nộp phí đường bộ sẽ không được xem xét danh hiệu gia đình văn hóa và các danh hiệu tương tự. Bên cạnh đó, các chi bộ đường phố cũng có những chỉ tiêu, biện pháp để vận động các gia đình CB, đảng viên gương mẫu chấp hành nộp phí giao thông để người dân noi theo.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, ngoài chế tài bằng một văn bản quy định cụ thể thì trong quá trình kiểm tra xử phạt lĩnh vực giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông cũng cần kiểm tra phiếu nộp phí đường bộ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần tăng cường và có định hướng.
Quan điểm này cũng được lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Huế - ông Châu Văn Lộc đồng tình, đánh giá cao. “Việc thu phí đường bộ là cần thiết, bởi nó phục vụ chính cho lợi ích của dân. Tiền thu của dân sẽ được dùng để đầu tư đường cho dân đi. Vậy thì chúng ta nên ủng hộ và triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng cần được ưu tiên đưa về các phường vùng ven vì ở đó còn nhiều đường chưa được bê tông hóa”, ông Lộc kiến nghị.
 
Nhiều đường kiệt được đầu tư

Cuối tháng 9, UBND phường Phú Hội tổ chức bàn giao, đưa vào sử dụng một lúc 3 đường kiệt, gồm: kiệt 31 Nguyễn Công Trứ, kiệt 28 Võ Thị Sáu và kiệt 15 Tố Hữu. Cả ba đường kiệt này trước đây đều toàn đất cát, mùa mưa lầy lội, thoát nước kém, lại nằm ở vùng thấp trũng đi lại rất khó khăn. Được TP Huế trích từ quỹ thu phí đường bộ 51 triệu đồng, UBND phường đã tổ chức họp dân, chọn những kiệt thấp trũng nhất để ưu tiên đầu tư trước. Cùng với sự góp công, góp của người dân, cả 3 đường kiệt đều triển khai xây dựng và hoàn thành trong thời gian ngắn, với tổng kinh phí 110 triệu đồng. Cái được của việc bê tông hóa các đường kiệt ngoài những ưu điểm đã nêu, còn ở chỗ hệ thống thoát nước, hố ga được đầu tư đồng bộ. Hầu như nhà nào mua sắm ống nhựa để đấu nối thoát nước, tránh được tình trạng xả nước sinh hoạt tràn lan ra đường như trước đây.
 

Thi công đường kiệt 15 Tố Hữu - Phường Phú Hội



Phòng Quản lý đô thị TP Huế cho hay, cũng từ nguồn kinh phí bảo trì đường bộ, TP Huế vừa đầu tư 2 đường kiệt khá lớn, đó là kiệt 2 Nguyễn Thị Minh Khai, có chiều dài khoảng 137m, rộng 5,5m, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng và kiệt 52 Thánh Gióng, dài 150m, kinh phí 387 triệu đồng. Cả hai đường kiệt này đều có lưu lượng phương tiện qua lại khá nhiều, nhất là kiệt 2 Nguyễn Thị Minh Khai, gần nhiều ngân hàng, cơ quan Nhà nước. Trước đó, TP Huế cũng dành một khoảng ngân sách cũng từ nguồn bảo trì đường bộ sửa chữa mặt đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, kịp thời phục vụ Festival 2014.

Các phường khác cũng tùy theo nhu cầu thực tế và đề xuất, TP Huế cũng trích một nguồn ngân sách quỹ bảo trì đường bộ phục vụ việc bê tông hóa đường kiệt. Đến nay, có khá nhiều đường kiệt đã được bê tông hóa từ nguồn quỹ này. TP Huế phấn đấu sẽ bê tông hóa đạt 100% đường kiệt trong thời gian tới từ nguồn thu phí đường bộ.
Lãnh đạo TP Huế cho rằng, dù còn nhiều thách thức, song khó đến mấy, cũng chỉ đạo các phường triển khai thu phí giao thông đường bộ. Phường nào thu không đạt chỉ tiêu, phải có báo cáo giải trình cụ thể, nếu không sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu và có biện pháp xử lý.
 

Báo thừa thiên Huế
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày