Tìm kiếm

 

Liên kết website
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh
Ngày cập nhật 18/03/2014

        Chiều ngày 17/3, Đoàn công tác Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

.

 

          

Đ/c Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

     Báo cáo của đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc, cho thấy Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Kinh tế của tỉnh phát triển bền vững và giữ vững mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 12,1%, năm 2013 đạt 4.723 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm đạt 1.700 USD; xuất khẩu đạt trên 540 triệu USD.

Các vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động tốt các nguồn vốn tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang, nâng cấp đô thị Thừa Thiên Huế đạt các tiêu chí của đô thị loại I.  Thừa Thiên Huế tiếp tục tập trung xây dựng xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học – công nghệ và trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực; gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, với thực hiện Chị thị 03 của Bộ Chính trị. Cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện, bộ mặt các đô thị và nông thôn ngày càng khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần khắc phục. Đó là, nhiều đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng chưa được bố trí nguồn lực, dẫn đến khó khăn trong triển khai. Nguồn lực đầu tư các thiết chế trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo… còn hạn chế. Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trên các lĩnh vực chưa được khai thác và phát huy tối đa. Cơ sở vật chất Đại học Huế chưa được đầu tư đồng bộ; tình hình an ninh chính trị luôn là nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh…

 Tại buổi làm việc sau phát biểu gợi mở của Tổng bí thư,  phần lớn ý kiến của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương cho rằng, Thừa Thiên Huế cần chú ý nâng cao các sản phẩm du lịch đặc sắc đã có, như ca Huế, du lịch di sản; tạo môi trường xanh. Tỉnh cần rất chủ động trong đề xuất các cơ chế chính sách; quy hoạch, cần xúc tiến để có tầm dài hơi. Đặc biệt, cần tổ chức lại sản xuất tại địa bàn nông thôn, cơ cấu ngành công, nông nghiệp của tỉnh một cách hợp lý. Điều băn khoăn nhất, là tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế là văn hóa, du lịch, nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm, nhất là nguồn nhân lực. Tỉnh cần tính toán đảm bảo cân đối giữa bảo tồn và phát triển. Xây dựng đặc khu kinh tế Châm Mây – Lăng Cô, tỉnh cần cân nhắc cơ chế chính sách đặc thù là cái gì, phải rất rõ ràng. Thời gian tới, tỉnh nên phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sớm ban hành khu trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc, gắn với các điểm văn hóa du lịch. 

Về thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, những định hướng phát triển của Thừa Thiên Huế không nhất thiết phải xây dựng nhiều nhà cao tầng, nhiều nhà máy. Huế cần phát huy lợi thế văn hóa, con người Huế về du lịch. Thừa Thiên Huế có vùng đất di sản văn hóa, lịch sử cách mạng, bản sắc riêng rất đặc biệt, là điều kiện, lợi thế để Huế phát triển. Huế có thế mạnh về giáo dục, y tế, cần gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu phát triển các ngành công nghệ cao, gắn với kinh tế tri thức. 

Tổng Bi thư trao đổi với các đồng chí tham dự buổi làm việc trong giờ giải lao

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư biểu dương sự đoàn kết phấn đấu của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có bước phát triển quan trọng, tạo thế và lực mới trên con đường phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số thành quả đã để lại dấu ấn nổi bật như tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức độ cao trên 12% (giai đoạn 2011-2013), bình quân thu nhập đầu người bằng gần 2 lần so với đầu nhiệm kỳ; thu ngân sách tăng cao đều gần 30%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (còn 6,5% năm 2013); hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho 2 huyện miền núi, hoàn thành tái định cư cho dân thủy diện, dân đầm phá, dân vạn đò sông Hương; nhiều công trình hạ tầng quan trọng hoàn thành đưa vào sử dụng tạo động lực mới trong phát triển; bộ mặt đô thị ngày càng đổi thay, khang trang; thành phố vườn, đô thị sinh thái đang dần được hình thành; hệ thống đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh tương đối hoàn chỉnh. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ dần dần trở thành trung tâm của cả nước; các chính sách an sinh xã hội thực hiện tốt; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trong tiến trình phát triển. Thời gian tới, để thực hiện thành công Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, góp phần thực hiện thành công chung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có sự đồng thuận để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra; có đồng bộ hệ thống giải pháp, chính sách tháo gỡ những khó khăn, nhất là giải pháp về nguồn lực, cả về tài lực, vật lực, nhân lực; đổi mới phong cách lề lối làm việc, xây dựng Đảng, xây dựng chiến lược con người.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh cần nêu cao tinh thần đoàn kết, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng anh hùng… để biến thành sức mạnh vật chất. Để lên thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế phải xác định rõ thế mạnh, phải có khâu đột phá, với tinh thần tiến công cách mạng cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đổi mới tư duy hơn nữa, táo báo, quyết liệt, năng động hơn nữa để tạo bức phá; đồng thời khai thác tốt mọi nguồn lực vật chất, phát triển nguồn lực con người; chú trọng công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chống tệ quan liêu tham nhũng; cần liên kết tốt với các địa phương trong khu vực để phát triển, nhất là liên kết phát triển du lịch, giao thông, thương mại.

Tổng Bí thư trao tặng bức ảnh Bác cho Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Bí thư Nguyễn Ngọc Thiện trao quà lưu niệm đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo www.thuathienhue.gov.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.051.270
Truy cập hiện tại 4.828