Tìm kiếm

 

Liên kết website
Thủ tướng chỉ đạo: Dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt
Ngày cập nhật 23/04/2014
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không được chủ quan, lơ là trước dịch sởi

         Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phải quyết tâm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt, đồng thời phải thực hiện tuyên truyền đầy đủ về phòng, chống, điều trị bệnh sởi, không để người dân hoang mang, lo lắng.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch sởi, chiều 23/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với các bộ, ngành chức năng và TP Hà Nội về các giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch sởi, hạn chế thấp nhất tử vong.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng bằng sự nỗ lực chung của ngành Y tế, của các bộ, ngành, địa phương, tình hình dịch sởi có xu hướng giảm, song vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, số người mắc sởi còn lớn.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc giám sát tình hình dịch bệnh, cấp cứu, điều trị đối với với bệnh nhân sởi, hạn chế thấp nhất tử vong do sởi.

Đồng thời quan tâm thực hiện hiệu quả các biện pháp chống lây nhiễm chéo, không để lây nhiễm chéo; đảm bảo đủ nhân lực, kinh phí, thuốc men, phương tiện cho công tác phòng chống dịch sởi; phải quyết tâm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về tiêm phòng; tuyên truyền góp phần làm cho người dân nhận thức đầy đủ, hiểu rõ về bệnh sởi, nguồn lây cũng như các biện pháp phòng chống để người dân không hoang mang, lo lắng.

Bên cạnh đó,  ngành Y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền,... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục lưu ý thực hiện tốt việc nghiên cứu, phân tích dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ, vi rút học,... tăng cường đào tạo cán bộ cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 23/4, cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Số trường hợp mắc chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Bắc và miền Nam, riêng Hà Nội chiếm 37% số ca mắc được ghi nhận. 

Đỉnh dịch là từ giữa tháng 3/2014, bắt đầu chững lại và giảm dần từ giữa tháng 4/2014.

Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, số bệnh nhân sởi mới nhập viện có xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng 4/2014. Tại mỗi bệnh viện, số bệnh nhân mắc sởi nhập viện giảm từ trên 30 trường hợp/ngày xuống còn 5-10 trường hợp.

Phân tích các trường hợp mắc sởi xác định trong 3 tháng đầu năm 2014 cho thấy, phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (68,3%); số mắc sởi ở trẻ dưới 1 tuổi chiếm 16,1%; số mắc dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi) chiếm tỷ lệ 11%.

Hầu hết ca mắc sởi là không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi (86,4%); chỉ có 9,9% ca sởi đã tiêm chủng 1 mũi vắc xin sởi.

Về tử vong, có 25 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi, chủ yếu vào điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương (111 trường hợp ở Bệnh viện Nhi Trung ương (93,2%); 6 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai; 1 trường hợp ở Bệnh viện Nhiệt đới; 1 trường hợp điều trị và tử vong tại nhà ở Yên Bái không được chẩn đoán huyết thanh).

Về nguyên nhân tử vong, do bị mắc sởi trên bệnh lý nền như như suy tim, nhiễm khuẩn huyết, tim bẩm sinh, bại não, bạch cầu cấp; do đồng nhiễm các loại vi rút, vi khuẩn liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông-xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm, các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong giai đoạn này; do biến chứng, bội nhiễm sởi, sau sởi. Nguyên nhân quá tải bệnh viện tuyến Trung ương cũng làm cho việc cách ly phòng lây nhiễm khó khăn, dẫn tới lây chéo trong bệnh viện làm cho bệnh nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết một số khó khăn trong phòng, chống sởi như do thời gian gần đây, ảnh hưởng của một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng nên người dân có tâm lý e ngại không đưa con đi tiêm chủng trong đó có vắc xin sởi; ban đầu công tác truyền thông còn hạn chế nên người dân chưa hiểu được những nguy cơ khi đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương nơi có nhiều bệnh nhân sởi gây hiện tượng quá tải, khó cách ly, khó phòng lây nhiễm chéo dẫn đến hiện tượng có nhiều bệnh nhân nặng và tử vong; trong thời gian qua, điều kiện thời tiết chuyển mùa đông - xuân có nhiều dịch bệnh đường hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng cấp tính khác.

Ngành Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành trên toàn quốc thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch sởi; yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các hoạt động giảm mắc và giảm tử vong tại các địa phương.

Đẩy mạnh phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị, hỗ trợ cán bộ, trang thiết bị cho các bệnh viện vệ tinh để tổ chức cấp cứu, điều trị nhằm giảm quá tải, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện tuyến trung ương, giảm các trường hợp nặng và tử vong.

Tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm những ổ dịch có thể xảy ra, tiến hành xử lý kịp thời để dịch không bùng phát hoặc lan rộng. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, những ngày gần đây số trường hợp nhập viện do sởi có chiều hướng chững lại trong khi số trẻ được đưa đi tiêm vắc xin tăng cao. Hà Nội đã chi 75 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế cử cán bộ tuyến Trung ương hỗ trợ cho các bệnh viện của Hà Nội trong phòng và điều trị bệnh sởi.

 

Theo baodientu.chinhphu.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.050.818
Truy cập hiện tại 4.636