Dưới triều Nguyễn, Đàn Nam Giao được xây dựng ở phía Nam Kinh Thành từ năm 1806. Đàn gồm 3 tầng, tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và Con Người. Đàn Nam Giao nằm trong một khuôn viên rộng 390m x 265m, có tổng diện tích khoảng 10ha, bên trong là rừng thông xanh biếc. Từ khi Đàn tế được xây dựng xong cho đến cuối thế kỷ XIX, hàng năm triều Nguyễn đều tổ chức Lễ tế Giao vào mùa xuân; từ thời vua Thành Thái trở đi, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên 3 năm mới tổ chức một lần. Trong Lễ tế Giao, có thể đích thân nhà vua đứng chủ tế hoặc giao cho quan khâm mệnh đại thần thay mặt làm chủ tế.
Sau năm 1945, di tích đàn Nam Giao bị bỏ hoang phế; môi trường cảnh quan bị xâm hại và tàn phá nghiêm trọng. Ngày nay, Đàn Nam Giao đã được trùng tu phục hồi và đã được tổ chức UNESCO ghi tên vào Danh mục Di sản Thế giới từ năm 1993.
Do những ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng cùng các giá trị nhân văn độc đáo của Lễ tế Nam Giao mà lễ hội cung đình này đã được nghiên cứu và phục dựng từng phần bắt đầu từ Festival Huế 2002 gồm hai phần: Lễ Xuất cung và Lễ tế. Tuy nhiên, lễ tế giao năm nay bỏ phần Lễ Xuất cung và tập trung vào phần Lễ tế tại Đàn và không sân khấu hóa, không có chuyện đóng vai vua, quan tế lễ mà chính là những người đại diện nhân dân đứng ra tế lễ.
Lễ tế tại Đàn Nam Giao năm này gồm ba phần lễ: lễ Nghênh thần tại án Nghênh thần ở Phương đàn; lễ tế tại Viên đàn gồm các lễ dâng hương, dâng rượu (Sơ hiến, Á hiến, Chung hiến), dâng Sớ, dâng trà; lễ Tống thần và Tư chúc bạch soạn tại án Nghênh thần ở Phương đàn.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Lễ Tế Giao được tổ chức, đúng ngày, đúng giờ, đúng tiết theo quan niệm ngày xưa. Đây là nghi lễ quan trọng bày tỏ nguyện vọng của con người với thiên nhiên, vũ trụ, với trời đất. Điều quan trọng nhất là người ta hướng đến khát vọng muốn cho con người được sống hài hòa với tự nhiên, vũ trụ. Những người đại diện nhân dân thực hiện tế lễ đóng vai trò thay mặt nhân dân đưa lên nguyện vọng cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm.
Những năm trước đây, Lế Tế Giao bao giờ cũng gắn liền với hoạt động sân khấu hóa để giúp cho du khách và nhân dân hiểu được Lế Tế Giao trong chế độ quân chủ ngày xưa diễn ra như thế nào. Nhưng từ năm 2014 trở đi, chúng tôi cho rằng phần sân khấu hóa không còn cần thiết nữa và nghi thức Tế Giao - việc con người hướng về trời đất, tự nhiên, về vũ trụ trở thành nguyện vọng chính đáng và cần thiết hơn, các nghi lễ cần đi vào thật chất, không cần rườm rà, không cần sân khấu hóa. Và năm nay, như chúng ta đã thấy Lễ Tế Giao tuy tiến hành đơn giản hơn trước nhưng vẫn đảm bảo tính trang nghiêm, bài bản, đầy đủ nghi thức tế lễ. Những người tham gia Tế Giao có thể xem là những người đại diện cho nhân dân, nêu lên khát vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu cho mọi điều tốt đẹp. Điều đặt biệt mới trong nghi thức Tế Giao năm nay là trên các án thờ, ngoài các án thờ trời, đất, các vị thần linh, sông núi, các vị tiên tổ của truyền Nguyễn, còn có bài vị thờ lịch đại đế vương và tất cả những vị hoàng đế anh minh qua các đời, các vị anh hùng liệt sĩ, các vị có công với đất nước cũng được đặt trên bàn thờ.
Tất cả những người trong đoàn Tế Giao và nhân dân có thể bày tỏ tấm lòng của mình với trời, đất, đến các vị vua, những người có công với tổ quốc. Từ sự gần gũi, thật chất, thành tâm, đáp ứng nhu cầu tâm linh tốt đẹp, Lễ Tế Giao ngày càng đi vào lòng dân và nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân, ông Hải nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại Lễ Tế Giao năm 2014:
Theo www.thuathienhue.gov.vn