Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.034.463
Truy cập hiện tại 480
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
TẾT CUỐI CÙNG Ở CHIẾN TRƯỜNG VÀ NHỮNG NGÀY ĐẦU TIẾP QUẢN Y TẾ HUẾ
Ngày cập nhật 26/01/2015
Đón Tết cổ truyền, chào năm mới là điều hết sức thiêng liêng của mỗi chúng ta, là dịp để nhớ đến ông bà Tổ tiên, đoàn tụ gia đình, bạn bè thăm nhau. Bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, cành đào, cành mai không thể thiếu trong mỗi gia đình.
 
 
Đối với chúng tôi những cái Tết chiến trường tuy còn thiếu thốn về vật chất, về tình cảm gia đình, nhưng bù lại là tình đồng đội, đồng hương thật khó phai mờ trong ký ức. Ấn tượng nhất đối với tôi là Tết sau cùng ở chiến trường Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế) đón năm mới 1975, tiếp theo là giải phóng Huế vào mùa Xuân năm ấy (26/3/1975).
 
- Tết cuối cùng ở Trường Sơn :
Tôi công tác trong ngành y tế. Văn phòng cơ quan đứng chân bên dòng sông A Sáp (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế), nước trong xanh hiền hòa, thơ mộng làm gợi nhớ đến sông Hương. Hai bên bờ sông có rừng cây rậm rạp, che chở chúng tôi khỏi sự rình rập của máy bay địch luôn nhòm ngó. Công việc chuyên môn và sản xuất tự túc cuốn hút mọi người. Nhưng rồi thời gian vẫn trôi khá nhanh, chẳng mấy chốc đã vào cuối năm 1974.
 
Không rõ vì sao khi ấy cấp trên lại có chủ trương lệnh về cho các cơ quan, đơn vị được tổ chức đón Tết sớm hơn Tết mọi năm ít ngày, chúng tôi bàn bạc với nhau lý do, nhưng không ai đoán được vì sao cả. Thời gian này, thông tin thắng lợi ở tiền tuyến dồn dập báo về, tuyệt nhiên không có động thái gì khác.
Không khí Tết sớm đón năm mới 1975 thật rộn ràng, có thịt heo, thịt gà, bánh tét, mứt gừng, hạt dưa, trà Bắc Thái, thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên bao bạc ... đã có bên hậu cần chuẩn bị trước tiếp tế nên hết sức chu đáo, cũng không thể thiếu cành mai vàng, cành đào đỏ thắm, hoa làm bằng giấy, còn cành là cành cây hoa rừng rất giống cành đào, cành mai ở đồng bằng. Cách trang trí cơ quan, ăn mặc, đi lại thăm nhau, những lời chúc Tết đầu năm ... không khác gì không khí Tết quê hương. Ai cũng có tâm trạng nhớ nhà, nhớ người thân da diết trong dịp Tết đến Xuân về. Tất cả chúng tôi đều được “ăn” một cái Tết đủ đầy và thật ý nghĩa. Có thể nói đây là một cái Tết lịch sử khi sau này bạn bè có dịp ôn lại với nhau những năm tháng qua.
Sau khi đón Tết sớm, một thông tin bất ngờ, đột ngột hết sức ngỡ ngàng đến với chúng tôi : chuẩn bị tiếp quản Huế ! Bấy giờ mọi người mới hiểu ăn Tết sớm để có thời gian chuẩn bị tiến về đồng bằng tiếp quản Huế, vậy đấy ! Những cuộc họp đột xuất diễn ra nhanh chóng, các cơ quan đơn vị tùy theo chức năng nhiệm vụ để phân công công việc tiếp quản sắp đến. Không khí Tết qua đi nhanh chóng nhường lại cho không khí rộn ràng của nhiệm vụ trọng yếu trước mắt.
 
Tất cả chúng tôi đã sẵn sàng. Ngành y tế có nhiệm vụ thành lập đoàn về tiếp quản các cơ sở y tế. Tôi vinh dự được chọn vào đoàn khoảng 15 người gồm các BS, DS, cán bộ chính trị, bộ phận hậu cần. Mỗi người được đo may gấp một bộ quần áo mới (sơ mi trắng vải pô-pơ-lin Trung Quốc, quần máu xám vải xi-mi-li Tiệp Khắc). Vài đêm trước lúc lên đường, tất cả chúng tôi đều thao thức với nhiều ý nghĩ miên man hình dung về công việc sắp đến, rồi gặp lại gia đình người thân, liên tưởng Huế đang ăn Tết, đón Xuân ... Đêm giữa núi rừng Trường Sơn mưa xuân rơi nặng hạt, giá buốt, nhưng hình như ai nấy đều thấy ấm lòng bởi niềm vui lớn lao dâng trào : Ngày giải phóng Huế đang cận kề, sắp tạm biệt dòng sông A Sáp để về với dòng sông Hương thơ mộng. Mỗi người đều thấy trong lòng rạo rực, xốn xang lạ thường. Khúc khải hoàn ca đang đến thật gần !
 
- Ngày tiếp quản Huế :
 
Chúng tôi được lệnh lên đường về Huế khoảng 10 ngày trước khi quê hương được giải phóng vào thời khắc lịch sử 26/3/1975. Cuộc chia tay chớp nhoáng với anh em bạn bè còn ở lại cùng nhiệm vụ tiếp sau và hẹn gặp nhau một ngày không xa nữa. Hành quân bằng xe “Zin” hai cầu của Liên Xô (cũ). Ngày hành quân đầu tiên kết thúc tại lăng Tự Đức như dự kiến theo kế hoạch. Đoàn đã trụ lại đây chờ ngày về trung tâm thành phố, thỉnh thoảng vẫn nghe rời rạc tiếng súng từ xa xa vọng về. Khi đã im tiếng súng, chúng tôi được lệnh vào thành phố. Không thể nào tả hết nổi xúc động sau 20 năm xa cách, những người con của quê hương lại trở về với Huế thân thương ! Từ lăng Tự Đức xe qua Đàn Nam Giao, rẻ xuống chùa Từ Đàm, qua cầu Ga, rồi chầm chậm đi ngang trước trường Khải Định (hiện nay là trường Quốc Học), trường Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà Trưng), qua Bệnh viện Huế (nay là Bệnh viện T.W Huế), bên trái đường là vườn hoa xưa và dòng Hương thơ mộng nước trong xanh trải dài theo tuyến đường Lê Lợi. Khi đi ngang qua cầu Phú Xuân (Cầu Mới) những người quê ở Huế như tôi đều thấy lạ vì trước đây chỉ có cầu Bạch Hổ và cầu Trường Tiền bắt qua sông Hương. Rồi xe đi vào sân của Ty Y tế cũ (nay là Sở Y tế Thừa Thiên Huế). Mọi thứ gần như còn nguyên vẹn của một văn phòng trụ sở cơ quan hành chính. Tầng hầm là kho thuốc nhỏ, chúng tôi ăn, ở, làm việc luôn tại tầng trệt. Mọi việc đều thực hiện rất khẩn trương.

Thời gian đầu công việc thật bề bộn, ngổn ngang, tất bật. Chúng tôi vừa làm việc tiếp quản tại tỉnh, đồng thời phải theo dõi tiến độ triển khai nhiệm vụ của các huyện, đồng thời tham gia đoàn công tác của tỉnh về phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra, chống thất lạc khi đi di tản (chủ yếu là trẻ con) và chống đói ở những vùng khó khăn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết sau tiếp quản.

Những ngày đầu, nhân viên y tế cũ đến trình diện, trên nét mặt họ chúng tôi cảm nhận được vẻ yên tâm xen lẫn nét âu lo. Số nhân viên này được bố trí lại ngay công việc cũ của họ trước giải phóng. Những ngày này trên đường phố hoàn toàn im tiếng súng, ít người qua lại và không hề có sự lộn xộn, chỉ có con đường Huế đi cửa biển Thuận An có nhiều việc phải giải quyết hậu quả vì đây là đường rút quân và di tản. Tại trung tâm thành phố, người dân đi lánh nạn chiến tranh bắt đầu trở về dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ngoài trời vẫn đang còn tiết xuân, hơi se lạnh và thỉnh thoảng lất phất mưa phùn.
 
Khi công việc ở Ty y tế đã tạm ổn, chúng tôi đã cử các BS, DS sang làm việc, nắm tình hình hoạt động ở Bệnh viện Huế (nay là Bệnh viện T.W Huế, vừa tổ chức kỷ niệm 120 năm thành lập 1894-2014), rồi sang Đại học Y (hiện nay là Đại học Y - Dược Huế). Tại hai nơi này đã có Ban tiếp quản điều hành công việc ngay sau 26/3/1975.
Tại Bệnh viện Huế, chúng tôi đã tiếp xúc với các BS, DS tình nguyện ở lại như BS Bách, BS Bàng (hai anh em ruột), BS Bửu, BS Tự, BS Kiểu, BS Châu, BS Giàu, DS Nhàn, DS Phục ... Tại trường Đại học Y khoa là BS Quýnh, BS Quế, BS Vận ... Một số BS, DS, nhân viên của hai đơn vị này có đi di tản lánh nạn bom đạn, sau giải phóng đã trờ về trình diện và làm việc, do đó công việc chuyên môn không bị ảnh hưởng nhiều, bệnh nhân vẫn đến điều trị tuy còn thưa thớt, sinh viên đã tề tựu khá nhiều tại trường chuẩn bị cho việc học tập trở lại.
Một hôm BS Thái Tuấn - Trưởng ty y tế đã có buổi nói chuyện thân mật với các BS, DS, nhân viên và sinh viên của trường. Tất cả đều chăm chú lắng nghe và có chút tò mò muốn biết về các hoạt động y tế của chính quyền mới.
Không lâu sau đó, Bộ Y tế liên tục cử các đoàn cán bộ, dụng cụ thuốc men vào chi viện cho Ty y tế, Bệnh viện Huế và Trường Đại học Y khoa như BS Nguyễn Văn Phước, BS Nguyễn Cước, BS Hồ Văn Cang, BS Võ Phụng, BS Nguyễn Tấn Viên, BS Nguyễn Văn Thái, DS Nguyễn Lâm ... (sau này phần lớn là GSTS).
Vào khoảng giữa tháng 4/1975 đoàn của GS Tôn Thất Tùng - Giám đốc BV Việt Đức cùng phu nhân là bà Vi Nguyệt Hồ, con trai Tôn Thất Bách và một số BS của BV Việt Đức đã vào thăm và làm việc tại Huế. GS Tôn Thất Tùng và đoàn công tác đã về thăm lại gia đình nơi GS sinh ra, sau mấy chục năm xa cách tại làng Bàu Vá, nay thuốc phường Phường Đúc, TP Huế. Thật khó tả hết cảm xúc của GS, gia đình và những người có mặt trong ngôi nhà rường cổ trước bàn thờ Tổ tiên của GS lúc ấy.
 
Về phần chúng tôi, những người con của Huế, sau mấy chục năm xa cách đã về đoàn tụ gia đình, thật hết sức xúc động. Đây là niềm mơ ước nung nấu trong lòng những người xa quê, bây giờ đã hiển hiện trước mắt. Có nhiều câu chuyện gặp lại nhau rất cảm động.
Thời gian trôi quá nhanh do công việc cuốn hút. Chẳng mấy chốc đã vào cuối năm 1975. Mọi hoạt động y tế cũng như cuộc sống của người dân đi vào ổn định. Mọi người đang chuẩn bị đón Tết, chào Xuân mới 1976 trong không khí đất nước thống nhất trọn vẹn sau Đại thắng mùa Xuân 1975.
 
Ngoảnh lại đã 40 năm, 40 mùa xuân sau giải phóng Huế. Từ cái Tết cuối cùng ở chiến trường đón xuân 1975, đến Tết Ất Mùi đón xuân 2015 biết bao biến đổi với Huế quê hương tôi !
Hằng năm vào dịp 26/3, Ban liên lạc hưu trí cán bộ y tế Trường Sơn thường tổ chức gặp mặt anh chị em đồng đội cũ. Những mái đầu tóc bạc, chân đã run, sức khỏe giảm nhiều, nhưng chúng tôi vẫn tìm về gặp nhau, ôn lại quảng đường đã qua, động viên nhau tiếp tục sống đẹp, sống có ích làm gương cho con cháu noi theo.
 
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày