Bên cạnh đó phải kể đến dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, thủy đậu, viêm màng não mủ, rubella... Tuy tần suất và số lượng bệnh khác nhau ở mỗi địa phương, nhưng đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là đối với trẻ em. Đã có một số trường hợp tử vong do biến chứng của sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi do không được xử trí kịp thời hoặc diễn biến bệnh quá nặng.
Đối với dịch cúm gia cầm:
Do virus gây nên, cần hết sức cảnh giác, mặc dù chưa có bằng chứng dịch cúm gia cầm lây từ người sang người. Hiện nay việc buôn bán gia cầm và trứng gia cầm lậu rất khó kiểm soát và chính đó là nguồn lây đáng lo ngại qua tiếp xúc trực tiếp.
Virus A/H5N1 rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người. Gần đây lại ghi nhận chủng virus có độc hại cao A/H5N1 nhánh 2.3.2.1 nhóm C có nhiều nguy cơ lây sang người.
Tại một số tỉnh, thành ở Trung Quốc xuất hiện dịch cúm A/H7N9 ở người, tỉ lệ tử vong cao từ 25 - 30 %. Hiện nay đã có biến thể thành những chủng mới kiểu đột biến gene làm tăng khả năng lây từ người sang người.
Phòng bệnh: Cần đồng bộ triển khai các biện pháp phòng ngừa:
Các địa phương có dịch cúm gia cầm cần hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang, giữ thông thoáng nhà cửa, hạn chế dùng máy điều hòa nhiệt độ, đảm bảo vệ sinh hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, hạn chế giết mổ ăn trứng gia cầm không rõ nguồn gốc trong vùng đang có dịch. Lưu ý có thể lây nhiễm virus từ các vật dụng công cộng như nắm cửa, điện thoại bàn, tay vịn cầu thang, thang máy...
Cần tiêm vaccin ngừa cúm mùa trong đó có cúm A/H1N1 (cúm A/H5N1, A/H7N9 hiện chưa có vaccin phòng bệnh).
Đối với khu dân cư xuất hiện dấu hiệu của dịch cúm gia cầm, ngành thú y cần có giải pháp quyết liệt như tiêu hủy, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát việc lưu hành, buôn bán gia cầm lậu... và phối hợp với ngành y tế để phòng bệnh lây sang người bằng công tác truyền thông.
Đối với các dịch bệnh khác:
Đặc biệt lưu ý đối với bệnh sởi và rubella. Hai bệnh này đều do virus gây ra. Gần đây một số địa phương đã xuất hiện lại bệnh sởi ở trẻ em do không tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ lần trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Bệnh sởi có thể gây nên các biến chứng như viêm phế quản, phổi, viêm não, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, thậm chí dẫn đến tử vong. Trẻ em chưa có miễm dịch sởi, bệnh sởi đều có thể mắc bệnh này. Vừa qua bệnh sởi đã bột phát ở một số địa phương trên cả nước.
Bệnh rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít khi xảy ra các biến chứng nặng. Nhưng nếu người mẹ bị rubella trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu, trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh... là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cho đến nay cũng như một số chủng bệnh cúm, sởi và rubella chưa có thuốc điều trị đặc biệt, tiêm vaccin là cách phòng bệnh tốt nhất để tạo kháng thể miễn dịch. Lâu nay chương trình TCMR đã triển khai phòng ngừa được 11 bệnh trong đó có bệnh lao, bạch hầu, ho gà, sởi, bại liệt, viêm gan B, uốn ván sơ sinh... Do triển khai thực hiện chương trình TCMR, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỉ lệ các bệnh trong chương trình TCMR đã giảm mạnh. Qua đó đã khẳng định TCMR là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ em chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccin.
Lần này với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vaccin và tiêm chủng, được sự đồng ý của Chính phủ, trong năm 2014 - 2015, tất cả trẻ em từ 1 - 14 tuổi trên toàn quốc được tiêm 1 mũi vaccin phòng sởi - rubelle miễn phí. Ngành y tế chịu trách nhiệm phân công triển khai với nhiệm vụ “Hãy đừng bỏ lỡ cơ hội được tiêm vaccin sởi-rubella trong chiến dịch dành cho trẻ em từ 1-14 tuổi trên toàn quốc”.
Đôi lời khuyến cáo:
- Đối với bệnh cúm:
Khi bị sốt cao, ho, đau ngực, thậm chí diễn biến nhanh có khó thở cần kịp thời, đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để xử trí. Đối tượng trẻ em và người cao tuổi cần được lưu ý, nhất là những người bị các bệnh tim mạch, HA, tiểu đường... là điều kiện để bệnh tiến triển nhanh.
- Đối với bệnh sởi và rubella:
Trẻ em (lưu ý trẻ chưa tiêm chủng) có sốt, viêm hô hấp trên, phát ban (ở vùng mặt và vùng sau tai có trước), tiêu chảy... cần đến cơ sở y tế đề phòng biến chứng. Đối với bệnh rubella lưu ý với phụ nữ trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén bị sốt, nổi ban, mệt mỏi... cần được kiểm tra theo dõi, phát hiện bất thường thai sản để xử trí kịp thời.
Theo BS Nguyễn Cương – Chi bộ 4