Tìm kiếm

 

Liên kết website
NHỚ VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG TIỂU HỌC
Ngày cập nhật 18/11/2014

Ngôi trường tôi sẽ kể chuyện sau đây là Trường Tiểu học Nam Giao, tiền thân của Trường THCS Trường An hiện nay. Ngôi trường này đã gắn bó với tôi thuở thiếu thời, giờ đây đã hằn sâu trong trí nhớ, trở thành một kỷ niệm không thể phai mờ trong tôi mỗi lần nhắc đến lứa tuổi học trò.

    Ngôi trường hồi ấy nằm trên đường Phan Bội Châu. Xin nói thêm một chút về tên con đường đáng nhớ này. Tên đường Phan Bội Châu có từ trước năm 1965, giai đoạn trước năm 1955 là đường Van Vollenhoven, trước năm 1976 là đường Nguyễn Hoàng. Sau đó từ năm 1976 lại trở về tên đường Phan Bội Châu cho đến hiện nay.

    Trường Tiểu học Nam Giao nằm trên trục đường Phan Bội Châu, từ những năm cuối thập kỷ 40, đầu thập kỷ 50 đây chỉ là con đường rải đá. Đoạn từ ngã ba Chùa Từ Đàm lên đến trường là đường đất chật hẹp, dân cư thưa thớt, sớm chiều đều đều vang vọng tiếng chuông của những ngôi chùa gần đấy và bóng dáng của người tu hành qua lại.

    Tôi còn nhớ rõ trên con đường này có nhà thờ cụ Phan Bội Châu với vẻ trầm mặc, kín đáo, phía bên kia đường là Chùa Từ Đàm. Sát nhà thờ cụ Phan Bội Châu có một cây thị xum xuê bóng mát là bến xe buýt đưa khách sang chợ Đông Ba hàng ngày, ở đấy có một quán nhỏ giải khát, thời đó gọi là quán “Mụ Thị”, bây giờ vẫn còn nhưng đã đổi qua nhiều chủ và thu hẹp lại, nhường chỗ cho vài ngôi nhà bên cạnh mọc lên. Từ góc quán nhìn qua đầu đường (bây giờ là đường Sư Liễu Quán). Phía bên kia, trước đây là một nhánh có vài lớp của Trường Tiểu học Nam Giao, hiện nay ngôi nhà cũ đã được cải tạo nâng cấp 2 tầng dùng làm trụ sở UBND phường Trường An khá bề thế. Gần Trường Tiểu học Nam Giao có khá nhiều chùa nổi tiếng ở Huế. Ngoài Chùa Từ Đàm còn có Chùa Linh Quang, Hải Đức, Từ Vân, Hiếu Quang ... Tôi vẫn còn nhớ hàng năm vào dịp lễ Phật Đản vào ngày 8.4 ÂL (hiện nay tổ chức vào ngày 15.4 ÂL), lễ Vu Lan (15.7 ÂL) bà con Phật tử thập phương đi lễ chùa rất đông, chỉ có đi bộ là chính trên con đường này. Nhiều lúc bọn nhỏ chúng tôi cũng được theo người lớn đi lễ chùa.

    Hồi đó, ba tôi tham gia Cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc bùng nổ 19/12/1946. Mẹ tôi, tôi và cô em gái phải sống dựa vào bên ngoại. Ông bà ngoại tôi có thuê một căn nhà trên đường Phan Bội Châu (phía trên dốc Bến Ngự) để ở trong nhiều năm và vì vậy hai anh em tôi đều học ở Trường Tiểu học Nam Giao khá gần nhà. Lúc bấy giờ trên con đường Phan Bội Châu từ gần đàn Nam Giao đến cầu Bến Ngự phần lớn hai bên đường chỉ có nhà rường cổ với vườn rộng và cây ăn quả. Từ trường đi một đoạn ngắn là có đường rẻ lên núi Ngự Bình. Qua quá trình đô thị hóa, hiện nay suốt dọc con đường này đã thay đổi rất nhiều bởi những ngôi nhà cao tầng và hạ tầng khá hoàn chỉnh. Nhưng ngôi nhà tôi ở năm xưa hầu như không thay đổi kiểu dáng, vẫn chỉ một tầng theo kiểu kiến trúc Pháp với vườn rộng và các bóng cây to, trong đó có cây hoa ngọc lan tỏa bóng mát và thơm ngát hương ngào ngạt. Thời bấy giờ nhà này có nhiều chủ thuê, trong đó có gia đình cô Quí Hương và anh trai cùng học Tiểu học Nam Giao với anh em tôi. Cô Quí Hương sau này có chồng là GS Lê Tự Hỷ, con trai là Lê Tự Quốc Thắng học sinh Trường Quốc Học, học giỏi, thành đạt mà nhiều người đã biết. Cả nhà đều giỏi toán. Cô Quí Hương từ những năm 60 của thế kỷ trước là giáo viên Trường Nữ T.H Thành Nội, vừa mới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Hiện nay, mỗi lần đi qua, nhìn vào ngôi nhà cũ, những cảm xúc tuổi thơ lại dạt dào sống dậy trong tôi, có thể nói đó là một dấu ấn không thể phai mờ với con đường Phan Bội Châu, mái nhà thân thương xưa và Trường Tiểu học Nam Giao trìu mến đã đi vào ký ức.
    Trường Tiểu học Nam Giao thời tôi học chỉ là một dãy nhà gồm các lớp nhất, nhì, ba, tư, năm. Trước dãy nhà có cột cờ dùng để chào cờ đầu tuần, sau đó là lời nhận xét, dặn dò của Thầy Hiệu trưởng trước khi vào lớp học tiết đầu tiên của tuần mới.

    Về thầy giáo, tôi chỉ còn nhớ Thầy Hiệu trưởng là Thầy Cầm, hai thầy dạy tôi qua các năm học là Thầy Tường và Thầy Sum. Thầy Cầm và Thầy Tường khi đến trường đều mặc áo the đen, quần trắng, chân đi giày da hoặc xăng-đan, trong cặp có cái thước gỗ để dạy học và làm roi phạt học trò khi không thuộc bài hoặc nghịch ngợm. Thầy Sum mặc áo quần “Tây”. Thầy Sum mất sớm trước khi tôi rời trường. Tôi còn nhớ nhà Thầy Cầm và Thầy Tường đều ở dưới dốc Bến Ngự gần Từ đường Phan Tộc, đối diện phía bên kia là nhà của ông bà BS Lê Đình Thám là một Phật tử đã có nhiều đóng góp cho lịch sử phong trào Phật giáo nước ta. Ông tham gia Cách mạng, được giao nhiều trọng trách, nguyên là Chủ tịch UB Hòa bình Thế giới của Việt Nam trước khi nghỉ hưu tại Hà Nội.
    Đối với bạn học vì đã quá lâu tôi không còn nhớ nhiều, ngoài Quí Hương và người anh là Đinh Hữu Quyến, còn có Rô, Nhớ, Cẩm Tú ... ở gần Chùa Từ Đàm. Sau này tôi nghe nói nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là học trò  của Trường Tiểu học Nam Giao một thời, qua thông tin của chị Nhung - Cán sự điều dưỡng - con thầy Bút dạy ở trường kể chuyện lại với bạn bè.

    Một việc rất tình cờ cảm động, vào dịp lễ Vu Lan năm 1975 chỉ vài tháng sau giải phóng Huế, tôi từ Trường Sơn trở về, qua giới thiệu, tôi đã gặp lại được Thầy Tường tại Chùa Vạn Phước, phường Trường An. Sau mấy chục năm xa cách, thầy tuy có già đi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn với trang phục áo dài đen, quần trắng, tóc húi cua. Thầy không thể nhớ tôi, nhưng qua câu chuyện thầy trò đã ôn lại hình ảnh thầy, trò, trường, lớp ... mấy chục năm rồi. Thầy Tường cho tôi biết Thầy Cầm đã mất trước giải phóng. Tình cảm thầy trò chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn.

    Vào những năm 90 của thế kỷ trước khi về làm việc ở UBND TP Huế phụ trách công tác văn hóa - xã hội, có một vài lần tôi lên thăm lại trường cũ : Vẫn địa điểm đó, nhưng bây giờ là trường THCS, nhà 2 tầng khang trang đã thay cho trường cũ. Nhà thờ ngoại của tôi hiện nay ở gần trường cho nên tôi có nhiều dịp đi ngang qua trường, có lần tình cờ nghe tiếng trống trường, rồi học sinh ùa ra sân chơi, những kỷ niệm đẹp một thời lại tràn về trong tôi, vẫn con đường này với mái trường xưa rồi từ đó mình trưởng thành như hôm nay. Tất cả như một cuốn phim quay chậm ngược dòng thời gian.

    Viết những dòng này để tỏ lòng tri ân vói những người thầy kính mến đầu đời đã dìu dắt tôi, nhớ bạn bè cũ, chỗ ngồi xưa dưới mái Trường Tiểu học Nam Giao. Qua đây tôi cũng mong muốn được liên lạc với các bạn bè cùng học để biết thông tin ai mất, ai còn và đang sống ở đâu ?

    Rất mong trường hiện nay ngày một vững bước đi lên, góp phần cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh nhà !

 

Nguyễn Cương - Chi bộ 4
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.048.421
Truy cập hiện tại 3.579