Hiệu quả bước đầu
Ngay sau khi có quyết định của UBND thành phố, đội quản lý đô thị đã bố trí lại cán bộ tổ quản lý đô thị cấp phường, phân ra 7 cụm công tác để thực hiện nhiệm vụ trên toàn địa bàn, bước đầu cho thấy những chuyển biến rõ rệt. Chỉ tính riêng tổng số trường hợp vi phạm được xử lý gần đây của tổ quản lý đô thị các phường cũng đã tăng hơn nhiều so với trước. Trong tháng cao điểm diễn ra Festival Huế 2014, lực lượng này phối hợp với Công an TP, Trung tâm Công viên cây xanh, UBND và lực lượng công an 27 phường xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 4.000 tang vật vi phạm hành chính đưa về đội xử lý, lập biên bản xử phạt 532 trường hợp với số tiền trên 81 triệu đồng. Sau thời gian ra quân, bộ mặt vỉa hè đô thị của thành phố khang trang, ngăn nắp hơn, không còn tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh trên những tuyến phố chính, như: Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng...
Cũng con người ấy, phương tiện ấy, song hiệu quả quản lý đô thị được nâng lên là do cách thức tổ chức quản lý, điều hành của tổ quản lý đô thị cấp phường được thực hiện theo mô hình mới. Theo ông Lê Văn Phiệt, Đội trưởng Đội Quản lý đô thị TP Huế thì, chính quá trình bố trí cán bộ làm việc có sự điều động, luân chuyển giữa các phường đã giải quyết được tình trạng nể nang, dung túng, bao che đối tượng vi phạm; nhờ vậy, tạo ra sự khách quan trong quá trình giải quyết công việc trên địa bàn.
Cần sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm
Nhờ sự thay đổi trong tổ chức, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP thời gian gần đây có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, có thể bảo đảm được hiệu quả lâu dài và bền vững hay không lại cần thời gian để kiểm chứng. Đặc biệt, cách quản lý “song trùng” (người thì vẫn ở phường, quản lý lại thuộc Đội quản lý đô thị TP) không phải là không có những “lấn cấn”. Nếu không có sự phối hợp trên tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích chung, rất dễ nảy sinh chồng chéo. Thực tế trong quá trình xử lý vi phạm, ngoài việc ý thức chấp hành luật pháp của người dân chưa cao thì mối quan hệ phối hợp giữa Công an thành phố, Công an phường, UBND các phường và lực lượng quản lý đô thị chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt trong phối hợp giải quyết những vụ việc phức tạp cần phản ứng nhanh, kịp thời. Bên cạnh đó, trình độ năng lực của cán bộ quản lý đô thị còn chưa đồng đều, nhiều người còn chưa nắm rõ được quy trình xử lý nên quan trọng nhất là phải được tập huấn nâng cao cả phương diện chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, quản lý nhà nước để thực hiện công việc hiệu quả hơn. Một số phường gần đây sử dụng lại lực lượng của tổ quản lý đô thị cũ hay Ban bảo vệ dân phố, tổ tự quản để giải quyết công việc tại phường, lực lượng này hoạt động dễ tạo ra sự chồng chéo, gây không ít cản trở cho lực lượng Quản lý đô thị mới thành lập.
Tại cuộc họp giao ban quý I của thành phố mới đây, lãnh đạo thành phố đánh giá cao những chuyển biến trong công tác quản lý đô thị qua con số trường hợp xử lý, tuy nhiên công tác này vẫn gặp những khó khăn nhất định. Trong cuộc họp, nhiều vướng mắc được nêu ra, khó khăn hiện nay đó là các lực lượng quản lý đô thị thiếu phương tiện phục vụ việc triển khai nhiệm vụ, bởi các phương tiện đều thuộc sự quản lý UBND phường nên việc điều động gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, UBND cấp phường lại lo lắng không thể giải quyết kịp thời những vi phạm trong địa bàn quản lý nếu lực lượng đã trực thuộc quản lý điều hành trực tiếp của Đội quản lý đô thị. Ngoài ra, do số lượng tang vật tịch thu ngày càng nhiều trong khi kho bãi để lưu giữ quá chật chội gây nên tình trạng quá tải. Hy vọng, thời gian tới, những vướng mắc trên sẽ được giải quyết kịp thời, để công tác quản lý đô thị TP đi vào nề nếp, tạo nên sự thay đổi theo hướng hiệu quả và bền vững; góp phần đem lại diện mạo văn minh, sạch – đẹp cho TP Huế.
Theo baothuathienhue.vn