Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.055.568
Truy cập hiện tại 2.526
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
CHUYỂN ĐỔI SỐ PHẢI GẮN VỚI CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Ngày cập nhật 01/11/2022

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban) tại phiên họp thứ ba của Ủy ban tổ chức ngày 8/8/2022.

 
   Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại phiên họp
 
   Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tham dự tại điểm cầu Hà Nội.
   Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số.
   Theo đó, 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 8/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố.
   Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử,…
   Chuyển đổi số (CĐS) là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, việc đẩy mạnh CĐS một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm rất quan quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ tại phiên họp, nhiệm vụ của Ủy ban rất nặng nề. Ủy ban phải tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
   Thủ tướng yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan nắm bắt cơ hội, để quá trình CĐS mang lại lợi ích cho quốc gia.
 
Thừa Thiên Huế đứng thứ 2 toàn quốc về chỉ số CĐS
   Thông tin tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian qua, tỉnh triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình CĐS quốc gia.
   Theo đó, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, tỉnh hoàn thành 100% chỉ tiêu giai đoạn 2019 - 2020 và 70% chỉ tiêu giai đoạn đoạn 2021 - 2025 được quy định tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ. Nhiệm vụ “Triển khai ứng dụng nền tảng bản đồ số” được giao tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban đến nay đã hoàn thành trước kế hoạch. Cơ sở dữ liệu nền đã được số hóa toàn tỉnh trong các lớp địa chính, biên giới, dân cư và cơ sở hạ tầng, giao thông...; triển khai hơn 14 cơ sở dữ liệu GIS chuyên ngành; tích hợp hơn 50 quy hoạch lên hệ thống GIS Huế; tích hợp hơn 11 cơ sở dữ liệu GIS về đề tài nghiên cứu khoa học. Nền tảng bản đồ số hiện nay đã được tỉnh tích hợp trên nền tảng Hue-S để cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
   Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, chính nhờ sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các năm qua chỉ số xếp hạng của tỉnh ngày càng được cải thiện và luôn nằm trong top đầu về các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh. Cụ thể, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index): các năm 2019, 2020, 2021 xếp thứ 2 toàn quốc. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 xếp thứ 2 toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính (PAR index): tăng từ vị trí số 13 năm 2019 đến vị trí thứ 4 toàn quốc năm 2021. Đặc biệt, mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S có thể nói là niềm tự hào của Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số.
   Theo số liệu giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay Hue-S đã có gần 800.000 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh với thời gian sử dụng trung bình 35 phút mỗi người/một ngày. Năm 2021, đã có hơn 17.400.000 lượt truy cập. Hue-S cũng đã thu hút hơn 10 Tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào Hue-S.
   “Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có thế mạnh như y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành công việc. Đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin tại phiên họp.

 

Tin mới
Tin cùng nhóm
Xem tin theo ngày