Đây là những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa được Bộ GDĐT chính thức công bố trong buổi họp báo chiều 24/2.
|
Họp báo công bố về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà |
Giảm thiểu tối đa học sinh phải thi 2 môn trong 1 buổi
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm số môn thi từ 6 môn như các năm trước đây (trong đó có 3 môn cố định biết trước là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 3 trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử) còn 4 môn, gồm: 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ; không miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh.
Với phương án này, theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GDĐT đã nhận phần vất vả về mình để bớt gánh nặng cho học sinh. Cụ thể, Bộ vẫn phải xây dựng đề thi cho 8 môn, cũng như tổ chức chấm thi cho 8 môn này, trong khi thực tế mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn.
Trước lo lắng về việc thi tự chọn sẽ khiến học sinh bỏ học những môn không thi, ông Tuấn cho biết, nếu nhìn vào mỗi thí sinh thì các em sẽ không học đều 8 môn. Song, nếu nhìn tổng thể trên bình diện quốc gia thì số lượng môn thi sẽ phân bổ đều, vì môn nào cũng được chọn thi; thay vì trước đây chúng ta thi 6 môn, nhưng có những môn hoàn toàn không ai học vì không thi.
Về cách thức chọn môn thi: Thay việc Bộ GDĐT quyết định và công bố tất cả các môn thi bằng việc học sinh được tự chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân.
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp: Thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp bằng việc sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%).
Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cho biết kết quả học tập lớp 12 sẽ đưa vào phần mềm để chốt danh sách. Hội đồng thi sẽ căn cứ vào đó để kết hợp khi có kết quả thi tốt nghiệp, từ đó đưa ra đánh giá khả năng hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp của học sinh.
Ông Trinh cũng tiết lộ, 3 môn Lý, Hóa, Sinh sẽ thi trắc nghiệm. Ngoại ngữ kết hợp giữa trắc nghiệm và viết luận, còn Toán, Ngữ văn thì sẽ viết luận.
Về cách tổ chức thi, Bộ sẽ tổ chức thi theo nguyên tắc mỗi học sinh có 1 số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi, mỗi ca thi chỉ có một môn thi.
Cụ thể, buổi sáng ngày thứ nhất thi 2 môn Ngữ văn-Hóa học, chiều ngày thứ nhất thi Vật lý-Lịch sử. Sáng ngày thứ hai thi Toán-Ngoại Ngữ, chiều ngày thứ hai thi Sinh học-Địa lý.
Với phương án tổ chức thi như thế này, ông Trinh cho biết sẽ giảm thiểu tối đa học sinh phải thi 2 môn trong 1 buổi.
Sẽ chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi
Theo khẳng định của Bộ GDĐT, phương thức thi tốt nghiệp trên sẽ chỉ áp dụng cho năm nay. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã bắt tay vào xây dựng Đề án thi Tốt nghiệp THPT mới dài hạn áp dụng từ năm 2015, và sẽ công bố vào đầu quý III năm 2014.
Đề án thi tốt nghiệp dài hạn này sẽ xây dựng theo hướng chuyển từ môn thi sang bài thi. Và lộ trình của sự chuyển đổi này theo hướng tăng dần từ nông tới sâu, đơn giản tới phức tạp, rộng tới hẹp để dần tiệm cận với cách thi của thế giới.
Và để áp dụng phương thức thi theo bài này, Bộ GDĐT đã và đang từng bước áp dụng phương pháp dạy và học tích hợp cũng như thay đổi chương trình, sách giáo khoa theo hướng tích hợp.
“Thực ra trong vài năm gần đây Bộ cũng đã áp dụng cách ra đề thi tích hợp, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng là cách ra đề mở. Chẳng hạn đề thi Văn năm 2013 đã có sự liên quan với cả môn Giáo dục công dân và Lịch sử”, ông Trinh cho hay.
Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên cũng như chương trình học chưa thay đổi ngay lập tức, sự thay đổi này sẽ phải diễn ra từ từ để người học cũng như người dạy, quản lý thích nghi.
Những điều chỉnh trên nằm trong lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới nội dung, phương án dạy học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi; nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản (để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện) và nâng cao (nhằm phân loại học sinh, là một căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh). Trên cơ sở đó hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo baodientu.chinhphu.vn