Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.056.166
Truy cập hiện tại 2.674
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2014
Ngày cập nhật 01/02/2014

          Hỗ trợ 3-5 tỷ đồng đối với cơ sở chăn nuôi gia súc; giảm mức đóng của doanh nghiệp bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; quy định mới về nợ phải thu tồn đọng của doanh nghiệp Nhà nước... là những chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 2/2014.

             Hỗ trợ 3-5 tỷ đồng đối với cơ sở chăn nuôi gia súc

Theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ ngày 10/2/2014, nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án, riêng đối với chăn nuôi bò sữa cao sản mức hỗ trợ là 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị.

Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ theo quy định, dự án còn được hỗ trợ 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục trên.

Cũng theo Nghị định, nhà đầu tư có dự án đầu tư nuôi trồng hải sản tập trung trên biển hoặc ven hải đảo được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng cho 100 m3 lồng nuôi đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển xa cách bờ trên 6 hải lý hoặc ven hải đảo; hỗ trợ 40 triệu đồng cho 100 m3 lồng đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển gần bờ…

Giảm mức đóng của doanh nghiệp bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, giảm mức đóng của doanh nghiệp bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích 1% (quy định cũ 2%) doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hàng năm để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/2/2014.

Quy định mới về xử lý nợ phải thu tồn đọng của DNNN

Nghị định 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1/2/2014, trong đó quy định việc xử lý các khoản nợ phải thu tồn đọng của doanh nghiệp.

Cụ thể, về xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi được xử lý theo thứ tự: Doanh nghiệp xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu tập thể, cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật; dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp; hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập doanh nghiệp, tuỳ theo trường hợp cụ thể.

Trong trường hợp thực hiện bán nợ theo quy định của pháp luật, sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu đương sự bồi thường theo quy định của pháp luật, chênh lệch giảm giữa giá trị khoản nợ với giá bán được bù đắp bằng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, nếu thiếu hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, sau khi xử lý một lần mà doanh nghiệp bị lỗ thì tiếp tục xử lý theo các quy định của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp.

Chế độ đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Quyết định 75/2013/QĐ-TTg quy định chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ có hiệu lực từ ngày 1/2/2014, trong đó quy định chế độ, chính sách đối với đối tượng thuộc biên chế của các đội tìm kiếm, quy tập ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, Quyết định cũng quy định chế độ, chính sách đối với người được cấp có thẩm quyền huy động trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; người cung cấp thông tin về liệt sĩ; hỗ trợ thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ đi tìm mộ liệt sĩ.

Bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ bị xử lý kỷ luật. 

      Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp Nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong ba hình thức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức.

Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành và điều lệ của tổ chức đó.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2014.

Ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

Theo Nghị định 208/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/2/2014, để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, có thể áp dụng những biện pháp cụ thể như: Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó; cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược người nước ngoài tại TCTD

Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo Nghị định 69/2007/NĐ-CPhiện đang áp dụng thì mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.

Nghị định cũng nêu rõ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì tỷ lệ này là không được vượt quá 20%.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2014.

Điều kiện giảm thời gian cai nghiện bắt buộc

Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2014, trong đó quy định trường hợp giảm thời hạn cai nghiện đối với học viên tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cụ thể, học viên đã chấp hành một nửa thời hạn quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Học viên bị mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai trong thời gian chấp hành quyết định thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc ốm nặng có xác nhận của bệnh viện mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời gian chấp hành quyết định; sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 3 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; trong thời gian tạm đình chỉ thi hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Chính sách đặc thù cho vận động viên xuất sắc

Theo Quyết định 82/2013/QĐ-TTg về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc, huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc tập huấn trong nước được hưởng chế độ ăn với mức tiền 400.000 đồng/người/ngày.

Về chế độ tiền công, huấn luyện viên xuất sắc không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được hưởng chế độ tiền công: 500.000 đồng/người/ngày; còn đối với vận động viên xuất sắc là 400.000 đồng/người/ngày.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2014.

Loại bỏ dần thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất thấp

Theo Quyết định 78/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới có hiệu lực từ ngày 10/2/2014, từ ngày 1/1/2015, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Cũng theo Quyết định, không được phép xây dựng mới tổ máy phát điện bằng than, khí công nghệ lạc hậu, có hiệu suất tại thời điểm bắt đầu đưa vào vận hành thương mại thấp hơn hiệu suất tối thiểu.

Nghiêm cấm nhập thiết bị cũ, lạc hậu đối với các nhà máy điện có công suất tổ máy nằm ngoài quy định nêu trên; việc cấp phép xây dựng đối với các nhà máy điện này sẽ do các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt theo từng dự án cụ thể.

Kể từ sau ngày 10/2/2014, không được phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy nhiệt điện phát điện bằng than, khí đốt có hiệu suất thấp hơn hiệu suất tối thiểu quy định.

Mức thu phí trông giữ ô tô không quá 40.000 đồng/lượt

Đây là một trong những nội dung của Thông tư 02/2014/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài chính ban hành.

Mức thu phí lượt ban ngày đối với xe đạp không quá 2.000 đồng/lượt, đối với xe máy không quá 4.000 đồng/lượt.

Đối với ô tô thì tuỳ theo số ghế hoặc trọng tải của xe nhưng phí cũng không quá 20.000 đồng/lượt; riêng đối với đô thị loại đặc biệt, mức thu phí đối với ô tô có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng không quá 40.000 đồng/lượt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/02/2014.

Hướng dẫn tái cơ cấu DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 194/2013/TT-BTC hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối tượng áp dụng của Thông tư là Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp.

Thông tư quy định cụ thể nguyên tắc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua xử lý nợ để chuyển thành công ty cổ phần.

Theo đó, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện tái cơ cấu để chuyển thành công ty cổ phần là các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu, doanh nghiệp tái cơ cấu với Công ty Mua bán nợ hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (lập biên bản thỏa thuận giữa các bên). Công ty Mua bán nợ được quyền chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.

Công ty Mua bán nợ chỉ quyết định mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu/cổ phần hóa và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu. Việc mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn hiệu quả và đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ với giá trị sổ sách khoản nợ để xử lý tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp theo quy định.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/02/2014.

Doanh nghiệp được thỏa thuận trước về tính giá thuế

Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn về việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực thi hành từ 5/2/2014.

APA là thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định thuế cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. APA được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng APA tại Thông tư này bao gồm: Các tổ chức, đơn vị có quan hệ liên kết trong một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau (bao gồm cả các quốc gia, vùng lãnh thổ); Các tổ chức, đơn vị có mối quan hệ là cơ sở thường trú và trụ sở chính của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, mỗi một cơ sở thường trú sẽ được xem là một doanh nghiệp (người nộp thuế) riêng và hoàn toàn tách biệt khỏi trụ sở chính hay các cơ sở thường trú khác của doanh nghiệp.

Quy định mức phí quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản

Thông tư 204/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản do Bộ Tài chính vừa ban hành có hiệu lực thi hành từ 10/2/2014.

Trong đó,  việc cấp giấy chứng nhận chất lượng giống thuỷ sản; cấp giấy chứng nhận chất lượng thức ăn thuỷ sản; cấp giấy chứng nhận chất lượng chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thuỷ sản; cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đối với 1 sản phẩm; cấp giấy thay đổi thông tin của sản phẩm đã có trong danh mục; cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, thực vật thuỷ sản, có mức phí 50.000 đồng/lần cấp.

Theo baodientu.chinhphu.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày