Tìm kiếm
Liên kết website
Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về phương án tổ chức các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày cập nhật 14/03/2014

          Ngày 13/3, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến “Về phương án tổ chức các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế”; hội thảo đã có sự tham gia của 60 đại biểu, trong đó có 48 đại biểu là các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và một số nhà khoa học tiêu biểu của tỉnh. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi hội thảo.

          Theo đó, về tên gọi thành phố có 2 phương án được đưa ra lấy ý kiến: thứ nhất là thành lập thành phố trực thuộc Trung ương lấy tên thành phố Huế; phương án 2 là lấy tên tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại thành thành phố Thừa Thiên Huế. Về việc thành lập các đơn vị thành chính của thành phố trực thuộc Trung ương cũng có 2 phương án được đưa ra lấy ý kiến: thứ nhất là thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 2 thị xã và 6 huyện; phương án 2 là thành phố trực thuộc Trung ương gồm 4 quận, 2 thị xã và 6 huyện.       

       Tại hội thảo, ông Cái Vĩnh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ đã báo cáo tổng quan đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, các phương án về tên gọi thành phố và việc thành lập các đơn vị thành chính của thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội thảo, có 17 ý kiến tham gia góp ý, các ý kiến đều thống nhất lấy tên “Thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, trong đó trung tâm là thành phố Huế và mở rộng ra thêm một số vùng ven để chia tách thành các đơn vị hành chính thuộc Quận.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân góp ý tại Hội thảo

Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà văn hóa Huế cũng phân tích khá cụ thể nội hàm từng tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương (thành phố Huế hay thành phố Thừa Thiên Huế) theo từng khía cạnh khác nhau như về lịch sử hình thành phát triển, yếu tố văn hóa, các văn bản pháp luật hiện hành cũng như định hướng phát triển của thành phố trong tương lai. Đồng thời đều khẳng định, việc thành lập thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo việc bảo tồn các giá trị di sản vật thể, phi vật thể và các giá trị cảnh quan thiên nhiên hiện đang được lưu giữ, nhưng trọng tâm cũng phải đảm bảo cho việc phát triển kinh tế và xây dựng đô thị hiện đại, nhất là phải có sự biển đổi về chất và trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng cấp quốc gia.

PGS, TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Sữ học Thừa Thiên Huế tham gia ý kiến tại Hội thảo

Đối với phương án tổ chức các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương, trong  2 phương án thành lập các Quận, các ý kiến cho rằng cần phải xây dựng các tiêu chí để xác định việc chia tách, thành lập số lượng các Quận, tên gọi các Quận (tên gọi theo số tự nhiên hay tên gọi bằng chữ) sao cho phù hợp với địa giới hành chính, văn hóa cũng như đảm bảo cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho phát triển không gian đô thị mà lại không phá vỡ môi trường cảnh quan thiên nhiên vốn riêng có của vùng đất Cố đô.

Nhà nghiên cứu Bửu Ý tham gia ý kiến tại Hội thảo

Kết luận tại buổi hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, do thời gian không còn nhiều, cuối tháng 3 phải hoàn tất đề án để gửi các Bộ và báo cáo với Chính phủ, vì vậy trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại buổi hội thảo này sẽ giúp thêm cho tỉnh trong việc hoàn thiện đề án. Đặc biệt, các ý kiến đã làm rõ thêm về lịch sử hình thành, nét văn hóa riêng có của vùng đất Cố đô và làm thế nào để phát huy các giá trị văn hóa di sản cũng như có sự thay đổi về chất khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo www.thuathienhue.gov.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 988.973
Truy cập hiện tại 329