Tìm kiếm

 

Liên kết website
THỂ LỆ CUỘC THI TRỰC TUYẾN "TÌM HIỂU LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM"
Ngày cập nhật 28/11/2023
  1. Thời gian

- Vòng thi tuần (03 tuần): Từ ngày 27/11/2023 đến ngày 17/12/2023

+ Tuần 1: Từ ngày 27/11 đến ngày 03/12/2023.

+ Tuần 2: Từ ngày 04/12 đến ngày 10/12/2023.

+ Tuần 3: Từ ngày 11/12 đến ngày 17/12/2023. - Vòng chung kết: Dự kiến ngày 22/12/2023.

- Tổng kết, trao giải: Dự kiến ngày 27/12/2023.

2. Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, công tác tại Việt Nam.

3. Hình thức thi

Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức thi trực tuyến trên Website http://bdbp.com.vn và ứng dụng “Luật Biên phòng Việt Nam”.

4. Cách thức thi và giải thưởng Cuộc thi: Kế hoạch số 4279/KH-BĐBP  ngày 11/9/2023 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam".

Lịch sử dựng nước, giữ nước và đấu tranh bảo vệ bờ cõi, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta đã để lại nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học đó là ở bất kỳ giai đoạn nào cũng cần có những chủ trương, sách lược đúng đắn chỉ đạo công tác Biên phòng của nước nhà.

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, thể hiện tư duy mới về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; trong đó, nổi bật nhất là giải pháp “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”.

Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 11/11/2020, Luật Biên phòng Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua với tổng số phiếu tán thành là 94,61%.

Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 33-NQ/TW, là văn bản pháp lý quan trọng, thể chế đầy đủ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Luật gồm 6 chương, 36 điều.

Trong lịch sử lập pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 là văn bản luật đầu tiên quy định một cách tổng thể “chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Biên phòng”.

Sự ra đời của Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện sâu sắc nguyện vọng của nhân dân trong việc thể chế quan điểm của Đảng về công tác Biên phòng; đồng thời, tô thắm thêm và “khắc họa” rõ nét nghệ thuật bảo vệ biên giới của cha ông trong một “bản văn pháp lý” về Biên phòng của thời kỳ mới - thời kỳ biên giới, lãnh thổ của các quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của những thách thức an ninh phi truyền thống và việc giải quyết những thách thức đó phải trên cơ sở pháp luật.

1.     Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020

●      Bối cảnh:

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; quản lý, bảo vệ biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên những năm qua, tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trên biên giới và các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, gần đây, vấn đề biên giới, lãnh thổ gắn với vấn đề dân tộc, tôn giáo trở thành trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch; các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, có vũ trang, tội phạm ma túy, buôn lậu xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng; cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống… đã và đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng ngày càng nặng nề, phức tạp và toàn diện.

Trong bối cảnh đó, Luật Biên phòng Việt Nam là văn bản pháp lý quan trọng được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 33-NQ/TW. Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 11/11/2020, Luật Biên phòng Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua với tổng số phiếu tán thành là 94,61%.

●      Nội dung chính của luật Biên phòng Việt Nam năm 2020

Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 thể chế đầy đủ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Luật gồm 6 chương, 36 điều.

Xem chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 tại đây (gắn link vào chữ đây)

●       Điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020

Xác định vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và một số các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, nhất là BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương; đẩy mạnh việc đầu tư của nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đảm bảo hiệu quả, chất lượng; thúc đẩy hiệu quả hoạt động xuất nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện và xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu, cảng biển.

●      Ý nghĩa của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020

Hòa vào “dòng chảy” chung của hệ thống pháp luật, Luật Biên phòng Việt Nam là cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ Biên phòng của các cơ quan nhà nước và các lực lượng chức năng, là “hành lang”, là “quy tắc xử sự” của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội khi tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Đặc biệt, với những quy định phù hợp với xu thế và sự phát triển của đất nước, của thời đại, Luật Biên phòng Việt Nam là cơ sở để định hình xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân”, “nền Biên phòng toàn dân”, “thế trận Biên phòng toàn dân” với những “sinh lực” mới, “sức sống” mới, mạnh mẽ hơn, hào hùng và bền vững hơn.

Các “kiến thức cơ bản” về Biên phòng quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam cần được các thế hệ người Việt Nam - “con Rồng, cháu Tiên” hôm nay và mai sau nhận thức đầy đủ, thống nhất và thực thi nghiêm túc để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới

2.     Lực lượng bộ đội biên phòng:

Bộ đội Biên phòng Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Bộ đội Biên phòng có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Bộ đội Biên phòng hoạt động trong khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, địa bàn nội địa để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Hoặc hoạt động ngoài biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, kiểm soát xuất nhập cảnh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Lịch sử hình thành

-       Ngày 19 tháng 11 năm 1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến và các lực lượng vũ trang khác chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng, giao cho ngành công an trực tiếp chỉ đạo, lấy tên là Lực lượng Cảnh vệ. Lực lượng Cảnh vệ gồm: Cảnh vệ Biên phòng và Cảnh vệ Nội địa.

-       Ngày 3 tháng 3 năm 1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra Quyết định số 100 - TTg về việc thành lập một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân Vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Ngày này được lấy làm ngày thành lập Bộ đội Biên phòng.

-       Lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang được tổ chức vào 19 giờ ngày 28 tháng 3 năm 1959, tại Hà Nội.

-       Đến cuối năm 1979 Công an nhân dân vũ trang đổi tên là Bộ đội Biên phòng và chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng, năm 1988, Bộ đội Biên phòng lại chuyển sang trực thuộc Bộ Nội vụ cho đến cuối năm 1995 thì lại chuyển về Bộ Quốc phòng.

Nhiệm vụ

1. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để thực hiện nhiệm vụ và đề xuất với Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước ban hành, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về biên phòng.

2. Tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng.

3. Thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên phòng.

4. Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng; giải quyết sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

8. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở khu vực biên giới.

9. Tham mưu, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, phòng thủ dân sự.

10. Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

11. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh.

12. Tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới.

Tổ chức chung

●      Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: là cao nhất (tương đương cấp Quân chủng)

●      Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (tương đương cấp Sư đoàn) gồm 44 tỉnh thành có biên giới, bờ biển. Bộ Chỉ huy có các phòng chức năng như: chính trị, tham mưu, trinh sát, phòng chống ma túy và tội phạm,hậu cần; các đơn vị trực thuộc như: tiểu đoàn huấn luyện, đại đội cơ động, bệnh xá biên phòng tỉnh. Các tỉnh có bờ biển thông thường có thêm 1 hải đội mang phiên hiệu hải đội 2.

●      Đồn Biên phòng: là đơn vị cơ sở của Bộ đội Biên phòng, trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

●      Hải đoàn Biên phòng là đơn vị chiến đấu cấp chiến thuật, cơ động chiến đấu trên vùng biển, trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hải đoàn có từ 2-3 hải đội, các bộ phậm tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật.

●      Hải đội Biên phòng là đơn vị chiến đấu cấp cơ sở trên vùng biển, trực thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh hoặc nằm trong biên chế hải đoàn biên phòng.

 

 

Thu Hương
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 877.356
Truy cập hiện tại 568