Tìm kiếm

 

Liên kết website
Vị thế và trách nhiệm
Ngày cập nhật 04/05/2014

      Tại Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN+3 vừa diễn ra, TP Huế vinh dự được trao Danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN”. Sau Cebu (Philippines) và Singapore, Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam vinh dự được trở thành thành phố văn hóa của ASEAN.

          Huế được công nhận là Thành phố Văn hóa ASEAN tức là vị thế, độ lớn về văn hóa, tầm ảnh hưởng của Huế đã được các nước trong khu vực công nhận. Lịch sử Huế là lịch sử văn hóa hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân. Là lịch sử 258 năm Thủ phủ Đàng Trong và Kinh đô Đại Việt. Cho Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, nơi còn bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, trong đó Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần đã quảng bá có hiệu quả hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế; mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, nhất là các nước trong cộng đồng ASEAN. Như trong Festival 2014 “Di sản văn hóa – Hội nhập và phát triển” vừa qua, các tiết mục nghệ thuật của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Philippine, Malaysia… đã được người xem ngưỡng mộ, đón nhận nhiệt thành. Huế hàng trăm năm là cái nôi đào tạo, trưởng thành của nhiều nhân tài Việt Nam như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Nguyễn Hữu Ba, Hoàng Tụy, Phan Khôi, Hà Huy Tập, Phạm Khắc Lãm, Cù Huy Cận, Bích Khê, Phạm Tuyên. Từ đó mà tỏa ra khắp các địa phương làm hạt nhân cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cùng với vị thế mới, trách nhiệm của Huế sau khi đón nhận danh hiệu Thành phố văn hóa ASEAN trong nhiệm kỳ 2 năm (2014- 2015) là gì? Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN+3 chỉ rõ: “Trong nhiệm kỳ hai năm, Huế đóng vai trò tăng cường giao lưu, hợp tác các nền văn hóa, văn minh; nâng cao ý thức của người dân trong khu vực Đông Nam Á về những giá trị bản sắc của ASEAN”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phát biểu sau khi nhận logo đã nói: “Thừa Thiên Huế cam kết sẽ xây dựng một kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để giới thiệu hình ảnh cộng đồng ASEAN đến với nhân dân Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng; tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, phấn đấu nỗ lực không ngừng để quảng bá hình ảnh một cộng đồng ASEAN hòa bình, văn minh, con người được hạnh phúc và phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, trong quá trình giới thiệu, quảng bá hình ảnh cộng đồng ASEAN, Huế sẽ gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô trong giai đoạn hội nhập và phát triển; đồng thời tăng cường trao đổi, hợp tác, hữu nghị, cùng xây dựng cộng đồng ASEAN và trong khu vực thông qua liên kết hợp tác phát triển du lịch, văn hóa, lễ hội... vì một ASEAN thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu của các quốc gia”.

Đối với mỗi người dân Huế phải có trách nhiệm góp sức mình làm cho thành phố ngày càng “xanh - sạch - đẹp”, giữ gìn nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Luôn có ý thức trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của cộng đồng ASEAN để văn hóa thật sự là cầu nối đưa các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau vì mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng. Qua đó thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN”. Theo chúng tôi, các kỳ Festival Huế lần sau, ta phải ưu tiên mời các đoàn nghệ thuật các quốc gia trong cộng đồng ASEAN, để văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam gắn bó hơn với văn hóa ASEAN, làm cho cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển.

Theo baothuathienhue.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 986.742
Truy cập hiện tại 162