Tìm kiếm

 

Liên kết website
HUẾ TRONG HOÀI NIỆM !
Ngày cập nhật 23/03/2015

Sau ngày giải phóng Huế 26/3/1975, biết bao niềm vui, hạnh phúc ngập tràn đến với những người con xa quê sau mấy chục năm, nay trở về đoàn tụ với gia đình. Những ngày nghỉ rảnh rổi, từng nhóm anh chị em bạn bè lại rủ nhau đi thăm lại cảnh cũ, người xưa. Những giờ phút này thường làm sống dậy những kỷ niệm đẹp đã đi vào ký ức từ thuở thiếu thời. Làm sao quên được hình ảnh của Huế từ ngày xưa ? Tất cả là một cuốn phim quay chậm đi ngược thời gian quay về với dĩ vãng ! Sau đây là một số câu chuyện hoài niệm về Huế xưa.

    + Câu chuyện 1 : Nhà Huế xưa :

    Nhớ lại, vào một chiều hè Huế đẹp trời, tôi cùng với một người bạn vong niên đạp xe vòng quanh phố xá ngắm người ngắm cảnh, ôn lại những gì còn nhớ đã qua mấy chục năm xa cách với thật nhiều suy tư, hoài niệm. Hai anh em đi xuống khu vực phố cổ Chi Lăng, vòng qua đường Tô Hiến Thành, dừng xe lại trước hai ngôi nhà vườn khá điển hình của Huế : Vật kiến trúc : nhà ở, cây ăn quả, cây cảnh và ao cá nhỏ. Trước lối vào là hàng chè tàu làm bờ rào, bức bình phong, các cửa gỗ nhà rường xưa ... Người qua lại thưa thớt trên đường phố, chỉ có xe đạp và các tà áo dài tha thướt chậm rãi trên đường. Nữ sinh là áo dài trắng, tóc xỏa ngang vai, người lớn tuổi hơn thì áo dài đen hoặc màu lam, tóc búi. Chiếc nón và túi xách nhỏ không thể thiếu trên tay mỗi người, xe đạp cũng rất ít, thỉnh thoảng có chiếc Honda 50 lướt qua, ô tô thời đó là của hiếm, chỉ có ô tô nhà nước của các cơ quan.
    Hai anh em đứng nhìn lâu trước hai ngôi nhà xưa, có vườn cau, cây ăn trái lâu năm là các cây vú sữa, cây trứng gà (Lekima), cây nhãn lồng, cây ổi, cây khế, xa xa phía cuối vườn có cả cây vả tỏa bóng. Hai anh em chúng tôi đứng quan sát khá kỹ để nhớ lại những ngôi nhà vườn của Huế xưa đầy lưu luyến trong không gian tĩnh lặng.
    Trên đường về, biết bao ý nghĩ miên man đến với mỗi người. Tôi bỗng nhớ lại ngôi nhà vườn xưa mình đã ở trên đường Phan Bội Châu - Bến Ngự trước khi rời Huế ra miền Bắc cùng với gia đình. Anh bạn vong niên của tôi đạp xe song song cũng im lặng trên một quảng đường dài, chắc cũng cùng ý nghĩ như tôi.
    ... Hiện nay, hai ngôi nhà trên đã qua nhiều chủ, trong khu vườn đã có nhiều nhà tầng mọc lên, những kỷ niệm về nhà vườn xưa ở địa điểm này không còn nữa. Tất cả chỉ còn trong hoài niệm mà thôi !
    Nói đến Huế là nói đến vùng đất có đặc trưng nhà vườn, trong đó có nhà rường (cổ, cũ) nằm trong không gian yên tĩnh, trầm lặng và nên thơ. Nhiều nhà gắn với di tích lịch sử văn hóa của dòng họ, hoặc các nhân vật có tên tuổi vang bóng một thời, thường là nhà thờ của Tiên Tổ.
    Mấy chúc năm qua, theo thời gian phủ bóng, nhiều nhà rường bị hư hỏng nặng nhất là các nhà thờ dòng tộc đã được trùng tu từ nguồn vốn kêu gọi đóng góp trong bà con họ hàng, nhưng cũng có nhà đã được thay thế xây dựng lại mới hoàn toàn, phá vỡ không gian kiến trúc xưa, khá lộn xộn theo kiểu “tân cổ giao duyên”. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nhiều ngôi nhà rường đã rời Huế ra đi nhiều nơi không rõ chủ nhân mới, lại cũng có khá nhiều nhà vườn bị cắt đất chuyển nhượng xây nhà mới. Mặc dù chính quyền các cấp đã có các giải pháp kêu gọi nhằm giữ lại nhà vườn, nhà rường xưa, nhưng xem ra kết quả còn hạn chế. Nhà cũ vườn xưa chỉ còn trong ký ức !
    Được biết mới đây lãnh đạo TP Huế đã đề xuất chủ trương bảo tồn 136 nhà vườn có giá trị và còn tương đối nguyên vẹn, kể cả chính sách về thuế đất vườn như khu nhà vườn Phú Mộng (Kim Long), một số nhà trong nội thành, một số phường vùng ven đô. Chúng ta rất hoan nghênh và chờ đợi sự thành công của chương trình có ý nghĩa bảo tồn những gì còn lại của Huế, không những ở Huế mà còn ở các vùng quê xa.
    Nhân câu chuyện trên, người viết bài này mong muốn chủ nhân mới của các ngôi nhà đã giã từ Huế hãy lên tiếng để giúp những người quan tâm biết được địa chỉ, mong có dịp tìm đến nơi, nhìn lại ngôi nhà xưa đã từng gắn bó qua nhiều thế hệ in đậm, lưu giữ nhiều dấu ấn trong ký ức thời gian.
    Ở vùng đất cố đô, nhiều nơi có nhà vườn, nhà rường xưa như ở làng cổ Phước Tích, nhà vườn Kim Long, Phú Dương, Phú Mậu, Thành nội ... có thể có chương trình dự án khai thác nhiều hơn nữa để phục vụ du khách, trong đó cần tiếp tục khôi phục lại 136 biệt thự kiến trúc Pháp ở vùng núi Bạch Mã mà chúng ta đang tiến hành trùng tu phục chế như trong mấy năm vừa qua đã làm thay đổi dần cảnh quan của vườn Quốc gia Bạch Mã, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng từ lâu của Huế.

    + Câu chuyện 2 : Áo dài Huế xưa :


    Nói đến Huế, không thể không nói đến tà áo dài Huế thướt tha với đặc trưng màu tím, màu trắng, màu lam, màu đen ... Người ta thường nhớ đến tà áo dài trắng của nữ sinh Đồng Khánh xưa với bước đi chầm chậm, tóc xỏa ngang vai, tay cầm cặp sách màu đen. Từng nhóm từng nhóm đến trường. Nữ giáo viên có người đi xe đạp, phía trước có đèn chiếu sáng bằng dinamo quay do cọ sát vào bánh xe, nhưng có lẽ cũng chẳng mấy khi dùng để đi buổi tối. Phía bánh sau của xe đạp có lưới để phòng áo dài bay cuốn vào, trông chiếc xe đạp cũng xinh xắn hơn. Xe đạp cũng đạp chầm chậm bên cạnh người bạn.
    Áo dài Huế xưa đầu tiên chỉ xuống dưới đầu gối, về sau mới dài tha thướt như hiện nay. Quần chỉ có màu trắng mặc với áo trắng, quần đen mặc với áo lam để đi lễ chùa, kỵ giỗ, những ngày mưa gió ...
    Người Huế luôn luôn mặc áo dài khi đi ra đường. Khi ở nhà có khách là chủ nhân phải thay áo dài ngoài bộ đồ cánh rồi mới từ trong nhà đi ra tiếp khách.
    Đối với trường nữ trung học Đồng Khánh, tôi còn nhớ mãi 3 giáo viên tiêu biểu : Bà Nguyễn Đình Chi có thời gian tôi học ở đó làm giám thị trường, Bà Tôn Thất Lương và Bà Bửu Tiếp (đều lấy tên chồng). Bà Nguyễn Đình Chi thường mặc áo dài sẩm màu, Bà Tôn Thất Lương thường mặc áo sáng màu, dùng nhiều mỹ phẩm, Bà Bửu Tiếp thường mặc áo màu lam đến trường. Sau năm 1975 tôi mới được viếng thăm vườn An Hiên nổi tiếng ở Huế của Bà Nguyễn Đình Chi gần chùa Thiên Mụ cùng phong cách đón tiếp khách rất lịch sự, văn hóa của Bà. Bà Tôn Thất Lương có chồng tham gia cách mạng từ ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Bà Bửu Tiếp có chồng là liệt sỹ thời chống Pháp.
    Những người sống ở Huế hoặc thăm Huế trước đây đều nhớ rõ và có ấn tượng về các bà, các chị bán hàng ở các chợ Đông Ba, An Cựu, Bao Vinh ... đều mặc áo dài. Mọi người đều hay bắt gặp những bà, những chị bán hàng trên đường phố như bánh canh, chè, các loại bánh bèo nậm lọc, gánh hàng rong, hàng rau quả ... đều mặc áo dài và có tiếng rao bán hàng rất đặc trưng của xứ Huế, bây giờ có lẽ chỉ còn trong dĩ vãng do nhiều lý do khác nhau.
    Áo dài Huế bây giờ đã có nhiều cải tiến, cách điệu hai vạt áo trước sau dài chấm gót (không hiểu có tha thướt hơn không ?), vạt áo trước thường thêu nhiều kiểu hoa, cổ áo có rất nhiều kiểu (cổ đứng, cổ tròn to nhỏ khác nhau), lại có cả kiểu áo dài tay ngắn trên cẳng tay hoặc khuỷu tay.
    Giờ đây mỗi lần thấy chiếc áo dài Huế xuất hiện trên sân khấu, các bà các chị ngồi trên xích lô, đoàn đi du lịch thong thả vãng cảnh chùa, đám cưới, kỵ giỗ ... đều gợi nhớ tà áo dài ngày xưa ấy, đặc trưng là áo dài màu tím Huế, chiếc nón lá bài thơ và bước đi thong thả, nhẹ nhàng. Ở Huế mùa đông ít rét, cho nên những ngày mưa lạnh giá chỉ cần khoát thêm bên ngoài chiếc áo len tự đan là đủ ấm.
    Phụ nữ mặc áo dài thường đi đôi với cách ứng xử chậm rải, nhỏ nhẹ, lễ phép, lịch sự với tiếng dạ, tiếng thưa dễ thương, không thấy cảnh xô bồ, chen lấn những nơi đông đúc hoặc cười nói to tiếng.
    Cách đây vài năm, ngày kỷ niệm thành lập Trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng), các thế hệ nữ giáo viên và học sinh mặc áo dài nhiều màu sắc với chiếc nón lá đã ngồi lên xe xích lô diễu hành một đoàn dài từ trường cũ đi trên đường Lê Lợi, qua cầu Tràng Tiền rẽ về đường Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu ... gợi nhớ nhiều kỷ niệm xưa một thời vang bóng gắn liền với lịch sử của ngôi trường nỗi tiếng! Nhắc đến nữ sinh Huế với những tà áo dài nền nã, không thể không nhắc đến các thế hệ nữ sinh Trường Đồng Khánh xưa, cũng như nhắc đến vùng đất kinh đô Phú Xuân là nhắc đến các đền đài lăng tẩm, chùa chiền, sông Hương núi Ngự.

    Thực ra chuyện nhà vườn Huế, áo dài Huế đã có nhiều tác giả đàn anh, đàn chị đề cập tới với nhiều chi tiết bổ ích thú vị, nhằm nhắc lại nét đặc trưng của một vùng đất đã có bề dày lịch sử ít nhất cũng từ kinh đô Phú Xuân đến nay. Hiện nay mọi người đang bàn đến quy hoạch TP Huế, định hình đô thị Huế trong tương lai, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa Huế, vùng đất là di sản văn hóa Thế giới, rồi những việc cần làm hiện nay cho Huế để Huế hài hòa giữa cổ kính và hiện đại.
    Bài viết này cũng chỉ nhằm nói lên những ý nghĩ ấp ủ nhớ lại một thời đã qua lâu nay về Huế, những hoài niệm xưa có tính hoài cổ chăng ?


                                                              
 

Nguyễn Cương - Chi bộ 4
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 877.356
Truy cập hiện tại 223