Đơn vị thiết kế
Liên kết website
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 877.356
Truy cập hiện tại 499
Tìm kiếm
Thông tin đường phố Huế
Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng
Ngày cập nhật 23/07/2013

 

 

 

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” ( sau đây gọi tắt là Chỉ thị 18); Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”; Kế hoạch số 38-KH/TU ngày 29/01/2013 của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18; Quyết định số 641/QĐ-UBND ngày 06/4/2013 của UBND Tỉnh về việc Ban hành chương trình hành động thực hiện kế hoạch số 38-KH/TƯ ngày 29/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 18; Kế hoạch số 05/BATGT ngày 15/01/2013 của Ban an toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2013; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 24/5/2013 của UBND Tỉnh về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp hè và thời gian còn lại năm 2013; Kế hoạch số 22-KH/TƯ ngày 22/3/2013 của Thường vụ Thành ủy Huế về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 18 và Chương trình hành động số 1585/CTr-UBND ngày 04/7/2013 của UBND Thành phố về thực hiện Chỉ thị số 18; Kế hoạch số 9 KH/ĐU, ngày 15/4/2013 của Đảng ủy phường về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 18.
UBND phường, Ban An toàn giao thông phường xây dựng chương trình triển khai thực hiện Chỉ thị 18như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1.Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 18 và các văn bản của Chính phủ, Tỉnh, Thành phố, Phường về công tác bảo đảm trật tư, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắt giao thông đến tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ, từng bước xây dựng lực lượng trong sạnh, vững mạnh, phòng ngừa tiêu cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 
2. Tích cực tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; Chương trình hành động số 2751/Ctr-UBND ngày 16/11/2011 của UBND Thành phố để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, phấn đấu hàng năm giảm từ 5% - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương; giải quyết dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị và không để xuất hiện các điểm phức tạp mới; Nghị quyết chuyên đề số 17/NQ-ĐU ngày 12/8/2012 của Đảng uỷ phường Phú Hội và Chương trình hành động số 03/CTr-UBND ngày 28/12/2012 của UBND phường về công tác đảm bảo an toàn giao thông – trật tự đô thị - vệ sinh môi trường – xây dựng tuyến phố văn minh.
3. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng: Công an, trật tự đô thị của phường trong việc tổ chức, thực hiện công tác đảm bảo TTATGT - TTĐT. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy trình và chế độ công tác, thực hiện văn hoá giao thông, gắn với ứng xử văn hoá khi thực hiện nhiệm vụ.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu và nhận thức rõ hiểm họa của tai nạn giao thông; xem việc giảm tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội; từng bước xây dựng và hình thành văn hoá giao thông, văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.
5. Nâng cao tính hiệu quả quản lý Nhà nước và tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cá nhân và tổ chức trên địa bàn để tạo đột phá trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
6. Xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền để tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên và liên tục nhằm tạo chuyển biến tích cực và mạnh mẽ trong toàn xã hội về công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng thi đua của các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên…
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp, kế hoạch, sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân để tổ chức quán triệt và thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 18 xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và lâu dài của đơn vị mình cũng như cấp chính quyền, đoàn thể cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.
- Phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn trong thực thi công vụ; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân chưa thực hiện hiệu quả trong công tác này.
- Tăng cường biện pháp đấu tranh ngăn chặn tiêu cực trong khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy trình với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, tiêu cực trong thực thi công vụ.
2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông:
- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; ra quân mở các đợt cao điểm kiểm tra theo chuyên đề, đối tượng, nhất là các vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, các vi phạm làm ảnh hưởng trật tự, mỹ quan đô thị.
- Kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi, đặc biệt là các học sinh, sinh viên chưa có giấy phép lái xe môtô đi học bằng xe máy, môtô; thực hiện thông báo về cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học những trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, những trường hợp vi phạm nhiều lần, có hành vi càn quấy, cản trở người thi hành công vụ khi tham gia giao thông thì tổ chức đưa đối tượng ra kiểm điểm trước dân.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Huy động các bộ phận chức năng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở, địa bàn dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan; phát huy hiệu quả hệ thống truyền thông thông tin ở cơ sở, hệ thống truyền thanh tại phường.
- Tổ chức tập huấn, toạ đàm, thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hoá hoạt động tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền trực quan bằng tờ rơi, panô, áp phích, tranh, ảnh...; viết tin bài để thu hút sự quan tâm và nâng cao ý thức, nhận thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.
* Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ đề sau: Phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; thực hiện “Quy tắc giao thông”, văn hoá giao thông, văn minh đô thị, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, an toàn giao thông đường sắt.
Khẩu hiệu tuyên truyền: “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”; “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”; “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”; Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”; “Dừng lại quan sát trước khi qua đường”...
Phát động phong trào “3 không: Không lái xe khi đã uống rượu, bia; không chạy xe quá tốc độ quy định; không lấn đường, vượt ẩu” và “3 có: Có đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; có bằng lái xe khi điều khiển phương tiện; có ý thức chấp hành pháp luật và tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông”. 
3. Công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
- Ưu tiên bố trí và huy động nguồn vốn để đầu tư và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường kiệt theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
- Triển khai lắp dựng bảng tên các đường kiệt.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN CẦN THỰC HIỆN
1. Về công tác tuyên truyền:
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt tập trung vào các đối tượng xích lô, lái xe ôm, thanh nhiên, học sinh và các hộ thường xuyên vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đi đầu và có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ và các quy định về an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn minh đô thị;
- Hằng năm, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn trật tự đô thị, an toàn giao thông cho 2 trường học: Lý Thường Kiệt và Nguyễn Tri Phương;
- Tăng cường công tác ra quân lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, để xe không đúng nơi quy định. Lập danh sách số thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm (chạy xe lạng lách, đánh võng, điều khiển xe không có bằng lái xe, không đội mũ bảo hiểm...) thường xuyên gọi, hỏi để giáo dục răn đe và các hộ thường xuyên vi phạm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh và tổ chức ký cam kết không tái phạm;
- Tiếp tục triển khai có kết quả về xây dựng các tuyến đường Bến Nghé, Đội Cung, Lê Lợi là tuyến đường văn minh đô thị với các tiêu chí cụ thể như sau:
+ Tuyến đường không rác;
+ Tuyến đường không dán quảng cáo, rao vặt trên gốc cây, cột điện, tường rào;
+ Tuyến đường không xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh;
+ Tuyến đường không có tình trạng người ăn xin, trẻ em lang thang .
2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá chỉnh trang đô thị, sửa chữa nâng cấp các đường kiệt
- Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả Quyết định số 583/QĐ-UBND ngày 17/3/2009 về việc Ban hành kế hoạch xây dựng vỉa hè theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm và Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 14/3/2010 của UBND thành phố Huế về việc Ban hành đề án vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường kiệt.
- Phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia giữ gìn hè phố đã lát gạch, không đào bới tự ý tháo dỡ bó vỉa hạ đường hè phá vỡ kết cấu công trình.
3. Tăng cường công tác xử lý vi phạm:
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông nhất là các vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ…
- Tổ chức các đợt ra quân để xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, cá nhân cố tình chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Tập trung xử lý dứt điểm các điểm phức tạp về tình hình trật tự đô thị tại các tuyến phố chính: Hùng Vương, Đặng Văn Ngữ, Trần Quang Khải - Phó Đức Chính, Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Nguyễn Công Trứ, Lê Quý Đôn, Bà Triệu…
- Tập trung chấn chỉnh và sắp xếp bố trí các tuyến đường cho phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh có thu phí.
- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các đề án: Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tuyến phố văn minh, việc sử dụng một phần vỉa hè có thu phí…. các chương trình, kế hoạch công tác chỉnh trang lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của UBND Thành phố.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Dân phố, Trưởng ban công tác mặt trận và các lực lượng chức năng của phường trong công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị.
IV. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị, bộ phận và các Tổ Dân phố: trên cơ sở chương trình hành động của UBND phường, Ban An toàn giao thông phường, căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện một cách thường xuyên, có hiệu quả đồng thời lồng ghép vào các cuộc họp để tổ chức sơ kết, tổng kết theo định kỳ quý, 6 tháng, 01 năm gửi báo cáo về UBND phường, Ban An toàn giao thông phường.
2. Công an phường chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực, Ban Bảo vệ Dân phố thực hiện các công việc: 
- BCH Công an phường chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực tham mưu tích cực cho chi bộ đường phố triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị 18 cho cán bộ nhân dân toàn phường.
- Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Chỉ thị 18 đến từng cán bộ chiến sỹ trong đơn vị mình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức của từng cán bộ, chiến sỹ trong việc chấp hành pháp luật về ATGT, nhất là các cán bộ, chiến sỹ trẻ; tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tích cực hưởng ứng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.
- Tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ, chiến sỹ trong việc chấp hành Luật về ATGT khi tham gia giao thông, phê bình nghiêm túc các trường hợp vi phạm. Mỗi cán bộ, chiến sỹ phải không ngừng rèn luyện đạo đức, cách mạng với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ; tích cực hưởng ứng kế hoạch công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2013 với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.
- Phát động phong trào “3 không: Không lái xe khi đã uống rượu, bia; không chạy xe quá tốc độ quy định; không lấn đường, vượt ẩu” và “3 có: Có đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; có bằng lái xe khi điều khiển phương tiện; có ý thức chấp hành pháp luật và tham gia các hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”.
- Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra và xử lý kiên quyết tình trạng xe chở quá số người quy định, không để xảy ra tình trạng xe “dù”, bến “cóc”; người điều khiển phương tiện môtô, xe máy chạy lạng lách đánh võng, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường,....
- Huy động lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; tổ chức mở các đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị vào các lễ hội; Đẩy mạnh công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
3. Công chức Xây dựng và Tổ Quản lý đô thị phường: phối hợp với Công an phường và các đơn vị có liên quan:
- Chủ động xây dựng phương án và tập trung đảm bảo tình hình trật tự đô thị, an toàn giao thông trên địa bàn; tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi phạm như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, họp chợ trái phép, không để hình thành chợ “cóc”, quán “cóc” ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị, từng bước đưa trật tự đô thị đi vào nề nếp, ổn định.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện phân công quản lý trong lĩnh vực trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố tại công văn số 1093/UBND-QLĐT ngày 11/5/2012 của UBND Thành phố.
- Mở các đợt ra quân đồng loạt để giải quyết tình hình trật tự đô thị, ngăn chặn các hành vi vi phạm TTATGT - TTĐT, gây mất trật tự mỹ quan tại các khu vực công cộng, tuyến đường trọng điểm vào giờ cao điểm: Lê Lợi, Hùng Vương, Bà Triệu, Đội Cung, Bến Nghé, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Công viên 3/2...
- Tăng cường công tác quản lý các hoạt động xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ, đất công, sông hồ…Cương quyết xử lý triệt để đối với các bãi giữ xe không đúng quy định lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
- Sắp xếp thời gian hợp lý để tiến hành kiểm tra có hiệu quả đối với công tác đảm bảo trật tự đô thị nhất là vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và thời gian ngoài giờ hành chính. 
4. Trường Mầm non Phú Hội và trường TH Lý Thường Kiệt:
- Tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong thanh thiếu nhi, học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học.
- Chủ động phối hợp với Tổ Quản lý Đô thị, cảnh sát khu vực tổ chức đảm bảo TTATGT - TTĐT tại các cổng trường học.
5. Công chức văn hóa xã hội:
- Tăng cường công tác tuyên truyền trực quan thông qua các panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông phù hợp tại các vị trí trọng điểm, khu vực dân cư, trên các trục đường giao thông chính, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phối hợp với các tổ chức, doanh nhiệp trên địa bàn để khai thác các hoạt động tuyên truyền một cách có hiệu quả thường xuyên và sâu rộng hơn.
- Thường xuyên theo dõi đôn đốc, kiểm tra các Tổ thực hiện tốt đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh chung, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn, xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị.
- Kịp thời phát hiện và đề xuất biểu dương những tấm gương tích cực, phê phán các đối tượng có những hành vi vi phạm về pháp luật giao thông, có thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị.
6. Cán bộ phụ trách trạm phát thanh phường:
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đưa tin về các hoạt động liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
- Tăng cường thực hiện các chuyên mục, chuyên đề về công tác an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
7. Công chức Tư pháp tham mưu Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của phường
- Phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác an toàn giao thông, trật tự đô thị để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành cho cán bộ và nhân dân được hiểu rõ và tự giác khi tham gia giao thông.
8. Công chức Tài chính – Ngân sách:
- Tham mưu đề xuất bố trí kinh phí trang cấp các phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị của phường và các Tổ Dân phố.
9. Đề nghị UBMTTQVN phường, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người cao tuổi phường:
- Phối hợp với Ban an toàn giao thông phường và chủ động tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động đến hội viên, đoàn viên tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông.
- Chủ động tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
- Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học văn hóa, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông.
10. Đề nghị cấp ủy, Chi bộ Tổ Dân phố
Gắn việc tổ chức quán triệt Chỉ thị số 18, triển khai thực hiện Chương trình với việc đánh giá tình hình công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiểm điểm vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, xem đây là một tiêu chí đánh giá thi đua của các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên.

          Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình này, nếu có gì vướng mắc, các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp với Thường trực Ban an toàn giao thông phường để tổng hợp ý kiến, đề xuất UBND phường điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Tập tin đính kèm:
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày