DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
Ngày 28/9/2022, Liên Hợp Quốc công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trong đó, Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp thứ 76/193 quốc gia, tăng 5 bậc so với năm 2020. Năm 2022, Liên Hợp Quốc đã thay đổi phương pháp đánh giá Chỉ số Dịch vụ trực tuyến, đánh giá theo 05 nhóm tiêu chí: Khung thể chế, Cung cấp nội dung, Cung cấp dịch vụ, Công nghệ và Tham gia điện tử. Liên Hợp Quốc cũng lần đầu tiên đánh giá về mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến thay vì chỉ đánh giá có cung cấp dịch vụ trực tuyến. Trong đó, mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến là khả năng thực hiện toàn bộ giao dịch của dịch vụ trên môi trường mạng hay chỉ thực hiện trực tuyến một phần và người dân vẫn phải hiện diện để hoàn thành hầu hết các giao dịch. Đây cũng là nội dung quy định mới về mức độ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và một phần trong Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, hiện đã có 14 bộ, ngành, địa phương gửi danh mục DVCTT toàn trình và một phần về Bộ Thông tin và truyền thông
Một số địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT (23 tỉnh đã ban hành văn bản giao chỉ tiêu cho từng cơ quan nhà nước trên địa bàn về tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến; 07 tỉnh ban hành chính sách khuyến khích người dân sử dụng DVCTT như giảm thời gian, chi phí sử dụng dịch vụ).
Để tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, cơ quan nhà nước cần thực hiện sớm các nội dung:
(1) Rà soát các thủ tục hành chính trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xác định và công bố Danh mục DVCTT toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần;
(2) Triển khai mạnh mẽ các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, cụ thể như:
- Ban hành văn bản giao chỉ tiêu cung cấp DVCTT (tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến,…) gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị;
- Chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng DVCTT;
- Nghiên cứu, ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT;
- Nghiên cứu, ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT;
- Nghiên cứu triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy; - Nghiên cứu triển khai Trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.